Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp thế nào?

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, các chủ đầu tư luôn có nhu cầu mở rộng, thu hẹp quy mô hoặc chuyển đổi hình thức kinh doanh sao cho phù hợp với khả năng kinh doanh của họ ở từng giai đoạn kinh doanh khác nhau. Tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp là một trong những biện pháp tái cấu trúc doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội.

 

1. Tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp là gì?

Theo quy định tại khoản 31 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 quy định: “Tổ chức lại doanh nghiệp là việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.”.

Như vậy, việc tổ chức lại doanh nghiệp thường được đặt ra khi: Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp có sự thay đổi, nhu cầu quản trị doanh nghiệp thay đổi. Hoặc các chủ sở hữu doanh nghiệp phát sinh mâu thuẫn với nhau dẫn đến số lượng thành viên công ty không còn đủ giới hạn tối thiểu theo hình thức tổ chức ban đầu. Tổ chức lại doanh nghiệp sẽ giúp cho doanh nghiệp nâng cao được năng lực cạnh tranh, phát huy hiệu quả hoạt động kinh doanh để giúp doanh nghiệp giải quyết được các mâu thuẫn nội bộ tránh phải giải thể hoặc phá sản doanh nghiệp.

 

2. Các hình thức tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp theo quy định Luật doanh nghiệp 2020

2.1. Chia doanh nghiệp (Điều 198 Luật doanh nghiệp 2020)

Chia doanh nghiệp là trường hợp một doanh nghiệp bị chia thành hai hay nhiều doanh nghiệp mới và chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp cũ. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bị chia được chuyển từ doanh nghiệp bị chia sang cho các doanh nghiệp mới.

Ví dụ: Công ty TNHH A chuyển một phần vốn góp của các thành viên ra bên ngoài để thành lập công ty TNHH B và công ty TNHH C. Hoạt động này được xem là hoạt động chia doanh nghiệp. Công ty B và công ty C là hai công ty được chia ra từ công ty A. Công ty A sẽ chấm dứt hoạt động và các công ty mới kế thừa quyền và nghĩa vụ của công ty A.

Hình thức tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp này chỉ áp dụng với Công ty cổ phần và Công ty TNHH. Công ty bị chia chấm dứt tồn tại sau khi các công ty mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các công ty mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia hoặc thỏa thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động để một trong số các công ty đó thực hiện nghĩa vụ này. Các công ty mới đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp được phân chia theo nghị quyết, quyết định chia công ty.

 

2.2. Tách doanh nghiệp (Điều 199 Luật doanh nghiệp 2020)

Tách doanh nghiệp là biện pháp chuyển một phần tài sản của công ty hiện có để thành lập hoặc một số công ty cùng loại chuyển một phần quyền và nghĩa vụ của công ty bị tách sang công ty được tách mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.

VD: Công ty cổ phần A vì muốn mở rộng hoạt động đã chuyển một phần cổ phần sang một công ty mới và thành lập công ty cổ phần B. Hoạt động này gọi là hoạt động tách doanh nghiệp. Sau khi tách doanh nghiệp, công ty cổ phần A vẫn còn hoạt động song song với công ty tách là công ty cổ phần B.

Hình thức tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp này cũng chỉ áp dụng với Công ty cổ phần và Công ty TNHH. Sau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị tách và công ty được tách phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị tách, trừ trường hợp công ty bị tách, công ty được tách, chủ nợ, khách hàng và người lao động của công ty bị tách có thỏa thuận khác. Các công ty được tách đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp được phân chia theo nghị quyết, quyết định tách công ty.

 

2.3. Hợp nhất doanh nghiệp (Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2020)

Hợp nhất công ty là việc hai hoặc nhiều công ty có thể hợp nhất thành một công ty mới, đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất.

Sau khi công ty hợp nhất đăng ký doanh nghiệp, công ty bị hợp nhất chấm dứt tồn tại; công ty hợp nhất được hưởng quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các công ty bị hợp nhất. Công ty hợp nhất đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các công ty bị hợp nhất theo hợp đồng hợp nhất công ty.

Ví dụ: Công ty X và công ty Y có thể hợp nhất để tạo thành công ty Z bằng cách chuyển hết toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ của công ty X và Y sang công ty Z. Sau khi hợp nhất thì công ty X và Y sẽ chấm dứt sự tồn tại.

 

2.4. Sáp nhập doanh nghiệp (Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020)

Một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.

Ví dụ: Ngân hàng thương mại cổ phần X chính thức sáp nhập vào Ngân hàng thương mại cổ phần Y. Hoạt động mua bán cổ phần giữa hai Ngân hàng này là hoạt động sáp nhập doanh nghiệp. Cổ phần của Ngân hàng X sẽ chuyển thành cổ phần của Ngân hàng Y và Ngân hàng X sẽ chấm dứt hoạt động.

 

2.5 Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (Điều 202-205 Luật Doanh nghiệp 2020)

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, ngoài việc có thể tổ chức, sắp xếp lại theo các mô hình như trên thì doanh nghiệp còn có thể chuyển đổi loại hình doanh nghiệp của mình sao cho phù hợp với khả năng kinh doanh như sau:

– Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần;

– Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

– Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;

– Chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn.

Sau khi đăng ký kinh doanh, công ty được chuyển đổi chấm dứt sự tồn tại. Công ty chuyển đổi kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của công ty được chuyển đổi.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của công ty Luật Minh Gia liên quan đến vấn đề tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp. Nếu còn vướng mắc hoặc có bổ sung thêm thông tin cần tư vấn, anh/chị vui lòng liên hệ tới công ty Luật Minh Gia để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng./.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo