Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tổ chức bộ máy quản lý các loại hình doanh nghiệp

Pháp luật doanh nghiệp hiện hành có các quy định cụ thể vè các loại hình doanh nghiệp như doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên, công ty hợp danh. Mỗi loại hình công ty lại có các đặc điểm riêng biệt trong tổ chức và hình thức hoạt động.

1. Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp

Kinh doanh là một hình thức được rất nhiều người lựa chọn để bắt đầu sự nghiệp của bản thân. Kinh doanh mặc dù tiềm ẩn những rủi ro nhưng đồng thời mang lại những lợi nhuận nhất định cho người thực hiện khi hoạt động kinh doanh thành công. Một trong những biểu hiện chính của việc kinh doanh đó là người kinh doanh thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp để dễ dàng hơn trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh.

Một trong những vấn đề mà chúng tôi cho rằng nó quyết định rất nhiều đến việc kinh doanh có hiệu quả hay không đó là việc lựa chọn đúng loại hình doanh nghiệp cho người kinh doanh. Mà để có thể lựa chọn đúng loại hình doanh nghiệp và đưa doanh nghiệp của mình đi vào hoạt động đúng quy định thì việc nắm được các quy định của pháp luật về vấn đề này là không thể thiếu.

Hiện nay, nhằm hỗ trợ cho khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận các quy định của pháp luật doanh nghiệp, giảm thiểu các rủi ro trong quá trình hoạt động, công ty Luật Minh Gia có các dịch vụ tư vấn như tư vấn trực tiếp tại văn phòng, tư vấn qua Email và tư vấn qua tổng đài 1900.6169, quý khách có thể lựa chọn và liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể các vấn đề của mình.

2. Tổ chức quản lý bộ máy của các loại hình doanh nghiệp

Câu hỏi: Xin chào công ty luật Minh Gia! Tôi có câu hỏi mong luật sư tư vấn cho tôi được rõ. Hãy cho tôi biết về cách thức tổ chức bộ máy quản lí kinh doanh của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh,doanh nghiệp tư nhân để tôi hiểu cụ thể hơn ?

Trả lời:

Chào bạn,Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Gia. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Công ty TNHH một thành viên

1.1. Chủ sở hữu là tổ chức quy định tại điều 78 Luật Doanh nghiệp

a. Trường hợp chủ sở hữu công ty ủy quyền cho ít nhất hai người làm đại diện thì mô hình tổ chức quản lý công ty bao gồm:

- Hội đồng thành viên (Chủ tịch Hội đồng thành viên).

- Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

- Kiểm soát viên.

Trong đó:

Hội đồng thành viên (Điều 79) bao gồm tất cả những người đại diện theo ủy quyền. Hội đồng thành viên nhân danh chủ sở hữu công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu. Chủ tịch Hội đồng thành viên do chủ sở hữu công ty chỉ định. Hội đồng thành viên hoạt động (họp, chế độ làm việc, cơ chế thông qua quyết định...) theo Điều lệ công ty.

Giám đốc (Tổng giám đốc) (Điều 81) do Hội đồng thành viên thuê hoặc bổ nhiệm không quá 5 năm, thực hiện hoạt động điều hành kinh doanh của công ty.

Kiểm soát viên (Điều 82) do Chủ sở hữu bổ nhiệm 1 - 3 Kiểm soát viên, nhiệm kỳ không quá 3 năm. Kiểm soát viên thực hiện chức năng giám sát hoạt động điều hành kinh doanh của Hội đồng thành viên, Giám đốc (Tổng giám đốc) (tính trung thực, hiệu quả điều hành...).

b. Trường hợp chủ sở hữu công ty ủy quyền cho một người làm đại diện thì mô hình tổ chức quản lý công ty bao gồm:

- Chủ tịch công ty.

- Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

- Kiểm soát viên.

Như vậy, người đại diện theo ủy quyền sẽ giữ chức danh Chủ tịch công ty. Chủ tịch công ty (Điều 80) nhân danh chủ sở hữu thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty. Quyền và nghĩa vụ đó thực hiện theo Điều lệ công ty và pháp luật có liên quan.

Giám đốc (Tổng giám đốc) (Điều 81) do chủ tịch công ty thuê hoặc bổ nhiệm, nhiệm kỳ không quá 5 năm. Quyền hạn và nhiệm vụ của Giám đốc (Tổng giám đốc) được quy định tại Điều 81 Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều lệ công ty.

- Kiểm soát viên (Điều 82) do Chủ tịch công ty bổ nhiệm (1 - 3 người), nhiệm kỳ không quá 3 năm. Kiểm soát viên thực hiện chức năng giám sát hoạt động điều hành kinh doanh của Chủ tịch công ty, Giám đốc (Tổng giám đốc) (tính trung thực, hiệu quả điều hành, kiến nghị của Chủ tịch công ty...).

1.2. Chủ sở hữu là cá nhân Điều 85 Luật Doanh nghiệp 2014 

Mô hình tổ chức quản lý công ty bao gồm: 

- Chủ tịch công ty.

- Giám đốc (Tổng giám đốc).

Như vậy, chủ sở hữu công ty đồng thời là Chủ tịch công ty. Chủ tịch công ty có thể kiêm Giám đốc (Tổng giám đốc). Quyền, nghĩa vụ của Giám đốc (Tổng giám đốc) được quy định tại Điều lệ công ty, Hợp đồng lao động mà Giám đốc (Tổng giám đốc) ký với Chủ tịch công ty).

2. Công  ty TNHH hai thành viên trở lên: Điều 55 Luật Doanh nghiệp 2014

Như vậy, mô hình tổ chức quản lý công ty TNHH hai thành viên trở lên như sau:

- Hội đồng thành viên (Chủ tịch công ty).

- Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

- Ban Kiểm soát (chỉ bắt buộc đối với công ty từ 11 thành viên trở lên).

Trong đó, Hội đồng thành viên (Điều 56) gồm tất cả các thành viên, là cơ quan có quyết định cao nhất trong công ty. Hội đồng thành viên hoạt động không thường xuyên, thực hiện chức năng thông qua cuộc họp và ra quyết định các vấn đề quan trọng của công ty, trên cơ sở biểu quyết của các thành viên tại cuộc họp.

Chủ tịch Hội đồng thành viên (Điều 57) do Hội đồng thành viên bầu, có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Chủ tịch Hội đồng thành viên thực hiện quyền và nghĩa vụ theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc (Điều 64, 65) là người điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

Ban Kiểm soát hoạt động theo Điều lệ công ty (quyền, nghĩa vụ, tiêu chuẩn, chế độ làm việc...).

B/ Công ty cổ phần

Tại Điều 134 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần như sau:

“1. Công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác:

a) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;

b) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty.”

C/ Công ty hợp danh

Về nguyên tắc, cơ cấu tổ chức quản lý của công ty hợp danh do các thành viên thoả thuận quy định trong Điều lệ công ty, song phải bảo đảm các thành viên hợp danh đều được quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề quản lý công ty.

Do đó, pháp luật quy định Hội đồng thành viên gồm tất cả các thành viên hợp danh là cơ quan quyết định tất cả các hoạt động quản lý, kinh doanh của công ty. Các thành viên hợp danh đều có quyền đại diện theo pháp luật.   

Trong quá trình hoạt động, các thành viên hợp danh phân công đảm nhiệm việc quản lý công ty và cử một trong số các thành viên hợp danh làm Giám đốc. Giám đốc làm nhiệm vụ phân công, điều hoà và phối hợp công việc của các thành viên hợp danh và điều hành công việc trong nội bộ công ty.

Việc biểu quyết trong Hội đồng thành viên của công ty hợp danh được tiến hành theo nguyên tắc đa số phiếu. Tuy nhiên, khi quyết định các vấn đề sau đây thì phải được thông qua theo nguyên tắc nhất trí, tức là được tất cả các thành viên hợp danh chấp thuận:

-       Cử Giám đốc công ty;

-       Tiếp nhận thành viên mới;

-       Khai trừ thành viên hợp danh;

-       Bổ sung, sửa đổi điều lệ công ty;

-       Tổ chức lại, giải thể công ty;

-       Hợp đồng giữa công ty với thành viên hợp danh hoặc với những người liên quan của thành viên đó.

Số phiếu biểu quyết của thành viên hợp danh không tỷ lệ với số vốn góp. Khi biểu quyết, mỗi thành viên hợp danh chỉ có một phiếu biểu quyết.

D/ Doanh nghiệp tư nhân

"Điều 183. Doanh nghiệp tư nhân

1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên của công ty hợp danh.

4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần."

Về quản lý doanh nghiệp, theo Khoản 1 Điều 185 :

 "Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật."

Như vậy, dựa trên những quy định của pháp luật về doanh nghiệp tư nhân, có thể thấy loại hình doanh nghiệp này có những ưu điểm nổi bật sau:

- Do chỉ có một cá nhân làm chủ nên doanh nghiệp tư nhân có quyền chủ động hoàn toàn trong việc quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

- Cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp tư nhân đơn giản, gọn nhẹ vì toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp thuộc quyền quyết định của chính chủ doanh nghiệp.

- Chế độ trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tạo sự tin tưởng cho đối tác và khách hàng của doanh nghiệp, thu hút hợp tác kinh doanh. Đây là một điểm khác biệt lớn giữa doanh nghiệp tư nhân với các loại hình doanh nghiệp khác.

- Chủ doanh nghiệp có toàn quyền quyết định đối với việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. Nói khác đi, chủ doanh nghiệp có quyền sở hữu toàn bộ lợi nhuận của doanh nghiệp, không phải chia sẻ lợi nhuận cho bất kỳ chủ thể nào khác trong doanh nghiệp như các loại hình doanh nghiệp khác ngoại trừ việc trả lương cho nhân viên, nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. 

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp: ( Tổng đài luật sư trực tuyến 1900.6169 ) 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo