Hoàng Thị Kim Lý

Thủ tục nhập khẩu bia từ nước ngoài vào Việt Nam

Nhờ Luật sư tư vấn giúp tôi: Tôi có người nhà tại Đức mua giúp tôi sản phẩm bia với số lượng lớn để chuyển về Việt Nam buôn bán, vậy nhờ công ty tư vấn giúp các giấy tờ, thủ tục cần thiết để tôi kinh doanh mặt hàng này tại Việt Nam (tôi có cần thành lập công ty không?, các giấy tờ cần phải có từ bên Đức?, các giấy tờ cần để kinh doanh tại VN....). Xin cảm ơn.


Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, công ty xin tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn đưa ra thì bạn muốn nhập khẩu bia từ Đức về Việt Nam để bán.

Về điều kiện kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 187/2013/NĐ-CP  có quy định:

1. Đối với thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (dưới đây gọi tắt là thương nhân):

Trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác, thương nhân được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh.

Chi nhánh thương nhân được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo ủy quyền của thương nhân.
 
Điều 2 Thông tư 04/2014/TT-BCT hướng dẫn nghị định 187/2013/NĐ-CP cũng có quy định về quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu như sau:

1. Thương nhân không có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (dưới đây gọi tắt là thương nhân) bao gồm:

a) Doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật Đầu tư;

b) Hộ kinh doanh cá thể được thành lập, đăng ký kinh doanh theo Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, được xuất khẩu, nhập khẩu, gia công, đại lý mua, bán hàng hóa theo quy định của pháp luật và trong phạm vi Nghị định số 187/2013/NĐ-CP  không phụ thuộc vào ngành hàng, ngành nghề ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
 
Căn cứ theo quy định trên thì để tiến hành kinh doanh xuất khẩu thì bạn phải thành lập doanh nghiệp hoặc Hộ kinh doanh. Tùy vào loại hình doanh nghiệp mà thủ tục thành lập, hồ  sơ  được quy định cụ thể tại Luật doanh nghiệp 2014.  

Về thủ tục nhập khẩu

Thứ nhất, bạn cần phải tiến hành các  thủ tục hải quan theo khoản 2 Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính "Quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu". Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu bao gồm:

-  Tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo các chỉ tiêu thông tin tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này.

-  Hóa đơn thương mại trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán: 01 bản chụp trừ trường hợp không phải nôp hóa đơn thương mại.

- Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương đối với trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt, vận tải đa phương thức theo quy định của pháp luật (trừ hàng hoá nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đường bộ, hàng hoá mua bán giữa khu phi thuế quan và nội địa, hàng hóa nhập khẩu do người nhập cảnh mang theo đường hành lý): 01 bản chụp.

- Giấy phép nhập khẩu đối với hàng hóa phải có giấy phép nhập khẩu; Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan: 01 bản chính nếu nhập khẩu một lần hoặc 01 bản chụp kèm theo Phiếu theo dõi trừ lùi nếu nhập khẩu nhiều lần;

- Giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc Giấy thông báo kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật: 01 bản chính.

Đối với chứng từ quy định tại điểm d, điểm đ khoản này, nếu áp dụng cơ chế một cửa quốc gia, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi giấy phép nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra, miễn kiểm tra chuyên ngành dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, người khai hải quan không phải nộp khi làm thủ tục hải quan;

- Tờ khai trị giá: Người khai hải quan khai tờ khai trị giá theo mẫu, gửi đến Hệ thống dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc nộp cho cơ quan hải quan 02 bản chính (đối với trường hợp khai trên tờ khai hải quan giấy). Các trường hợp phải khai tờ khai trị giá và mẫu tờ khai trị giá thực hiện theo Thông tư của Bộ Tài chính quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

-  Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ): 01 bản chính hoặc chứng từ dưới dạng dữ liệu điện tử trong các trường hợp luật định.

Trường hợp theo thoả thuận về áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt với Việt Nam hoặc theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định về việc nộp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu là chứng từ điện tử hoặc Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của người sản xuất/người xuất khẩu/người nhập khẩu thì cơ quan hải quan chấp nhận các chứng từ này.

Thứ hai, theo Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, quy định: “Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo, bao bì chứa đựng thuộc phạm vi quản lý.”  Do đó, khi nhập khẩu  bia, bạn phải đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm với Bộ Công Thương.

Thứ ba, bạn làm bản kê khai thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biêt đối với hàng hóa nhập khẩu.

Thứ tư, làm bản thủ tục công bố lưu hành sản phẩm nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thủ tục nhập khẩu bia từ nước ngoài vào Việt Nam. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV: Thùy Dương - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo