Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Thủ tục khi bắt đầu thành lập xưởng mới

Kính chào công ty luật Minh Gia,Cháu chào các luật sư ,cháu năm nay 28 tuổi ,cháu đang có ý định góp vốn mở xưởng gia công chuyên lĩnh vực giặt mài. thời gian trước cháu cũng đã góp vốn cùng với 3 người tất cả đều xuất thân từ công nhân rồi lên thợ rồi anh em quyết định mở xưởng riêng.

 

Thiếu kinh nghiệm về quản lý tài chính, phân chia lợi nhuận không rõ ràng ,làm được một thời gian thì có một người xin rút vốn ,nhưng 2 người còn lại thì không đủ khả năng mua ,bán cho người ngoài thì lại sợ không hợp,vì 3 người đều là anh em trong nhà. cuối cùng do khó khăn về tài chính vẫn quyết định bán cho người ngoài ,từ khi đó nhiều vấn đề xảy ra ,từ khâu bố chí nhân sự, hàng hóa nhận về xuất đi , công nợ mọi thứ đều rối tung.bây giờ cháu lại quyết định tách ra thành lập xưởng mới ,trước khi bắt đầu cháu muốn nhờ các bác tư vấn giúp cháu về tất cả mọi mặt có liên quan ,về vấn đề cổ phần ,cổ đông sáng lập và cổ đông phổ thông ,cách phân chia lợi nhuận ,bộ máy nhân sự vvv...

Cháu xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời:

Chào bạn,cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc đến Công ty Luật Minh Gia, căn cứ vào thông tin bạn cung cấp xin được tư vấn cho bạn như sau: 

Thứ nhất, về việc bạn góp vốn cùng với 3 người khác mở xưởng để hoạt động trong lĩnh vực giặt mài. Ở đây chỉ đề cập rằng 4 người góp vốn hợp tác kinh doanh cùng nhau, chứ không hề có đề cập rằng họ có thành lập hộ kinh doanh hay công ty gì ở đây, nên riêng nội dung để đưa ra phương án giải quyết thì tôi sẽ không thể hỗ trợ được. Tuy nhiên,tôi xin có ý kiến đề xuất như sau:

- Nếu các thành viên này góp vốn kinh doanh thông qua Hợp đồng hợp tác kinh doanh thì  sẽ phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo nội dung các thành viên đã thỏa thuận, hoặc căn cứ theo tỷ lệ góp vốn hợp tác kinh doanh.

- Nếu các thành viên này góp vốn thành lập công ty theo loại hình Công ty Trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty Cổ phần thì:

Đối với CT Trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên: Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 48 của Luật Doanh nghiệp 2014;

Đối với CT Cổ phần: Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

Thứ Hai, như nội dung bạn đề cập ở đây, thì bạn cần tìm hiểu về Công ty Cổ phần, cụ thể:

a/ Cổ phần:

Theo Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:

1. Công ty cổ phần phải có cổ phần phổ thông. Người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông.

2. Ngoài cổ phần phổ thông, công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi. Người sở hữu cổ phần ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi. Cổ phần ưu đãi gồm các loại sau đây:

a) Cổ phần ưu đãi biểu quyết;

b) Cổ phần ưu đãi cổ tức;

c) Cổ phần ưu đãi hoàn lại;

d) Cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định.

3. Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.

4. Người được quyền mua cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định.

5. Mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu nó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau.

6. Cổ phần phổ thông không thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi. Cổ phần ưu đãi có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

b/ Cổ đông sáng lập:

Theo khoản 2 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014:

"Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần."

Ngoài ra theo Điều113 Luật Doanh nghiệp cũng quy định:

"Cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập

1. Công ty cổ phần mới thành lập phải có ít nhất 03 cổ đông sáng lập; công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước hoặc từ công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập từ công ty cổ phần khác không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập.

Trường hợp không có cổ đông sáng lập, Điều lệ công ty cổ phần trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc các cổ đông phổ thông của công ty đó.

2. Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp.

3. Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.

4. Các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được bãi bỏ sau thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các hạn chế của quy định này không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty."

c/ Cổ đông phổ thông:

Cổ đông phổ thông là người sở hữu cổ phần phổ thông (theo khoản 1 Điều113 Luật Doanh nghiệp)

Ngoài ra, Cổ đông phổ thông có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

  • Quyền:

"a) Tham dự và phát biểu trong các Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo ủy quyền hoặc theo hình thức khác do pháp luật, Điều lệ công ty quy định. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết;

b) Nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông;

c) Ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty;

d) Tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này;

đ) Xem xét, tra cứu và trích lục các thông tin trong Danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa đổi các thông tin không chính xác;

e) Xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông;

g) Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty;"

  • Nghĩa vụ:

"1. Thanh toán đủ và đúng thời hạn số cổ phần cam kết mua.

Không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Trường hợp có cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định tại khoản này thì cổ đông đó và người có lợi ích liên quan trong công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút và các thiệt hại xảy ra.

2. Tuân thủ Điều lệ và quy chế quản lý nội bộ của công ty.

3. Chấp hành nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị.

4. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty."

d/ Phân chia lợi nhuận:

- Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp

e/ Bộ máy nhân sự:

Bộ máy nhân sự sẽ phụ thuộc vào cơ cấu tổ chức của Công ty. Riêng về các chức danh như Giám đốc, Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT hay Kiểm soát viên sẽ được điều chỉnh căn cứ theo Luật Doanh nghiệp 2014 và các quy định liên quan.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thủ tục khi bắt đầu thành lập xưởng mới. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo