Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Thu hồi nợ khi doanh nghiệp vẫn đang hoạt động

Kính gửi công ty tư vấn luật. Tôi xin đuợc tư vấn về việc thu hồi nợ trong khi doanh nghiệp vẫn đang hoạt động. Sự việc như sau: vào tháng 6/2015 tôi có gửi cho 1 doanh nghiệp vàng bạc và xe máy 1 khoản tiền, có được cấp 1 quyển sổ chứng nhận có chữ ký và đóng dấu của chủ doanh nghiệp đó.

 

Vào tháng 8 có tin đồn doanh nghiệp vỡ nợ và tất cả những chủ nợ đều đến rút tiền về, khi đó họ chỉ cho thành toán lãi và hẹn ngày trả, nhưng đến nay theo thông tin tôi được biết thì hầu hết đều chưa nhận được tiền vay gốc. Khoản nợ của tôi có ghi " kỳ hạn 6 tháng" ( giống như sổ tài khoản ngân hàng vậy). Hiện mọi nguời đến đòi thì họ khất lần, hoặc nói trả bằng xe máy nhưng đưa ra giá cao gấp 3 lần để ép chủ nợ. Có những nguời cũng nói sẽ kiện nhưng họ thách thức bảo cứ đi kiện đi, và cũng lạ là hình như chưa thấy ai kiện họ. Doanh nghiệp hiện nay vẫn đang hoạt động, cả cửa hàng vàng và xe máy. Họ vẫn phát triển thêm Head Hon đa như bình thuờng, nhưng nợ thì vẫn ko chịu trả. Tôi xin được tư vấn trong truờng hợp này thì cần tiến hành thủ tục như thế nào để có thể thu hồi được số nợ trên? Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời :

 

Chào bạn! cám ơn bạn đã gửi câu hỏi tới công ty luật Minh Gia, với thông tin bạn cung cấp chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Với trường hợp của bạn, bạn có nêu rằng vào tháng 8 có tin đồn doanh nghiệp này vỡ nợ và tất cả những chủ nợ đều đến rút tiền về. Ở đây cần xác định rõ rằng việc doanh nghiệp vỡ nợ này thực chất chỉ là tin đồn hay bạn có cơ sở cho rằng doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán nghĩa là không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán và đã bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. Tại Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: "Việc phá sản doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản".

Theo đó, Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo  quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật phá sản 2014

Căn cứ theo quy định tại Điều 66 Luật phá sản 2014 thì:

"1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản, chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

2. Giấy đòi nợ phải có các nội dung sau:

a) Tên, địa chỉ, quốc tịch, căn cước của chủ nợ hoặc đại diện chủ nợ;

b) Tổng số nợ phải trả, bao gồm khoản nợ, số nợ đến hạn và khoản tiền lãi đến hạn nhưng chưa thanh toán; số nợ chưa đến hạn; số nợ có bảo đảm và phương thức bảo đảm; số nợ không có bảo đảm mà doanh nghiệp, hợp tác xã phải trả; khoản tiền bồi thường theo hợp đồng (nếu có).

3. Kèm theo giấy đòi nợ là tài liệu, chứng cứ chứng minh về khoản nợ đó. Giấy đòi nợ phải do chủ nợ hoặc người đại diện hợp pháp của chủ nợ ký tên.

4. Trường hợp bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan không tính vào thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này."

Như vậy, trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, bạn phải gửi giấy đòi nợ cho Toà án, trong đó nêu cụ thể các khoản nợ, số nợ đến hạn và chưa đến hạn, số nợ có bảo đảm và không có bảo đảm mà doanh nghiệp phải trả. Kèm theo giấy đòi nợ là các tài liệu chứng minh về các khoản nợ đó. Hết thời hạn này nếu bạn không gửi giấy đòi nợ đến Toà án thì được coi là từ bỏ quyền đòi nợ. 

Trong trường hợp Tòa án ra quyết định mở thủ tục thanh lý đối với doanh nghiệp này thì bạn được thanh toán khoản nợ theo quy định tại Điều 54 Luật Phá sản 2014 về thứ tự phân chia di sản như sau:

- Chi phí phá sản;

- Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đã ký kết;

- Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;

- Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ

Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định trên thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

Như vậy, nếu bạn có trong danh sách chủ nợ thì sẽ được thanh toán đủ số nợ của mình; nếu tài sản của doanh nghiệp nêu trên không đủ để thanh toán cho nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và tất cả các chủ nợ thì bạn sẽ được thanh toán một phần khoản nợ của mình theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ. 

Trong trường hợp doanh nghiệp vỡ nợ chỉ là tin đồn thì theo thông tin bạn cung cấp,  khoản vay nợ doanh nghiệp đối với bạn có kỳ hạn là 6 tháng, như vậy tính đến tháng 8/2015 thì hợp đồng vay này vẫn chưa đến hạn phải trả nợ. Căn cứ theo Điều 478 Bộ luật dân sự 2005 thì:

- Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.

- Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, nếu không có thoả thuận khác."

Như vậy,  theo quy định trên thì bạn chỉ được đòi lại tài sản của doanh nghiệp này vay trước thời hạn nếu hợp đồng vay là hợp đồng vay không có lãi và được bên vay đồng ý, các trường hợp còn lại thì bạn chỉ được đòi lại khoản tiền cho vay khi đến hạn đã thỏa thuận. 

Mặt khác tại Điều 474 Bộ luật dân sự 2005 quy định như sau:

- Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

- Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

- Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.

- Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ."

Theo quy định này thì khi đến hạn trả nợ thì doanh nghiệp phải trả đủ tiền đã vay nếu tài sản vay là tiền hoặc phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng nếu tài sản vay là vật trừ khi các bên có thỏa thuận khác.  Trường hợp của bạn, doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn thanh toán hoặc trả nợ không đầy đủ thì phải trả lãi đối với khoản tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản của ngân hàng tại thời điểm trả nợ tương ứng với thời hạn chậm trả lại này, nếu các bên có thỏa thuân khi vay không có lãi, và phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ nếu là hợp đồng vay có lãi. Các bên chủ nợ có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục không thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thu hồi nợ khi doanh nghiệp vẫn đang hoạt động . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo