Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại

Kính chào công ty Luật Minh Gia! Công ty nhà bạn em là Công ty cổ phần gốm sứ có trụ sở chính tại thị xã Bình Dương, tỉnh Bình Dương ( Bên A), thông qua một chi nhánh đại lý tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa để ký một hợp đồng bán cho Công ty cổ phần xây lắp điện 4 ( Bên B) có trụ sở chính tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An một lô sứ cách điện trị giá 420 triệu.

Hàng đã giao hết tại chân công trình (theo thỏa thuận trng hợp đồng) của Công ty xây lắp điện 4 ở Thành phố Ban Mê Thuột, tỉnh Đắc Lắc, nhưng khi nhận hàng bên B lại cho rằng hàng được giao không đúng chất lượng theo thỏa thuận trong hợp đồng nên giữa các bên đã phát sinh tranh chấp.  Vậy xin hỏi Luật sư:

1. Tranh chấp trên có thể được giải quyết tại Trọng tài thương mại không? Với điều kiện nào?

2. Giả sử nếu bên B khởi kiện đến Tòa án thì những Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp trên ?

Xin chân thành cảm ơn! 

 

Trả lời:

 

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Gia. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Thứ nhất, tranh chấp có được giải quyết tại trọng tài thương mại không?

Theo quy định tại điều 2, Luật trọng tài thương mại 2010 thì Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài thương mại bao gồm: 

"1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.

2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.

3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài"

Điều 5, Luật trọng tài thương mại 2010 cũng đã quy định điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài như sau: 

1. Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

2. Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

3. Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác'

Căn cứ vào các quy định trên, nếu bên công ty bạn (bên A) và bên B có thỏa thuận trọng tài thì vụ việc có thể được giải quyết tại trọng tài thương mại. Bạn cũng cần lưu ý các điều kiện để thỏa thuận trọng tài thương mại không bị vô hiệu. 

Theo quy định tại điều 16, luật Trọng tài thương mại 2010 thì: 

"1. Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng.

2. Thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản:

a) Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;

b) Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;

c) Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;

d) Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;

đ) Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận"

Trọng tài thương mại sẽ bị vô hiệu trong các trường hợp sau theo quy định tại điều 18, Luật trọng tài thương mại 2010: 

"1. Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 của Luật này.

2. Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

3. Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.

4. Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 của Luật này.

5. Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu.

6. Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật" 

Thứ hai, các tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại

Theo quy định tại điều 317, luật thương mại 2005 thì 

Hình thức giải quyết tranh chấp giữa các bên bao gồm: 

"1. Thương lượng giữa các bên.

2. Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.

3. Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án.

Thủ tục giải quyết tranh chấp trong thương mại tại Trọng tài, Toà án được tiến hành theo các thủ tục tố tụng của Trọng tài, Toà án do pháp luật quy định."

Theo quy định tại các điều 29, 33 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 thì thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp của bên công ty bạn và bên (B) thuộc tòa án nhân dân cấp huyện. Điều 35, bộ luật tố tụng dân sự 2004 cũng quy định 

"1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;

b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;

c) Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản" 

Vậy trong trường hợp này, nếu bên (B) khởi kiện ra tòa thì những tòa án sau có thẩm quyền giải quyết: 

-Tòa án cấp huyện nơi công ty bạn (bên A) đặt trụ sở chính

-Tòa án cấp huyện nơi công ty bên (B) đặt trụ sở chính nếu bên (B) có thỏa thuận với công ty bạn (bên A) và được công ty bạn chấp thuận
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo