Trần Tuấn Hùng

Rút vốn khỏi công ty trách nhiệm hữu hạn được không?

Luật Minh Gia tư vấn thắc mắc về việc rút vốn khỏi công ty trách nhiệm hữu hạn và quyền lợi, nghĩa vụ của người góp vốn. Nội dung tư vấn như sau:

Nội dung yêu cầu tư vấn: Xin chào luật sư! Mình cần tư vấn với nội dung sau: Mình hiện tại đang góp vốn 1 trong công ty TNHH với số vốn góp là 5%, vốn điều lệ công ty là 400.000.000 đồng. Mình muốn rút khỏi công ty với lý do không thể hợp tác với giám đốc vì cách làm việc không thỏa đáng. Đây là trên mặt giấy phép kinh doanh. Vấn đề quan trọng là công ty mình bao gồm 4 thành viên góp vốn mỗi người 100.000.000 đồng. Công ty hoạt động được 6 tháng về mảng giáo dục. Nhưng không có làm hợp đồng với nhau, chỉ thỏa thuận với nhau bằng lời nói. Mình có đề xuất với giám đốc là mình sẽ không nhận lợi nhuận của 6 tháng đó và mình bỏ luôn phần vốn góp 100.000.000 đồng. Khi mình đề xuất muốn rút vốn giám đốc yêu cầu mình sẽ bù lỗ cho khoản kinh doanh trong 6 tháng tới. Mình có vài vấn đề cần được tư vấn: 1. Nếu mình rút vốn thì mình gặp vấn đề gì về mặt pháp lý hay không? 2. Với đề xuất đó của giám đốc mình không bù lỗ có được không? 3. Có cách nào lấy lại quyền lợi của mình trong số vốn đã góp 100.000.000 đồng hay không? Bạn vui lòng liên hệ giúp mình.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Doanh nghiệp 2014 về nghĩa vụ của thành viên như sau:

 

Điều 51. Nghĩa vụ của thành viên

2. Không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp quy định tại các Điều 52, 53, 54 và 68 của Luật này.

Như vậy, bạn không được rút vốn ra khỏi công ty ngoại trừ các trường hợp: yêu cầu công ty mua lại vốn góp, chuyển nhượng phần vốn góp, xử lý phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt và thay đổi vốn điều lệ.

 

Theo quy định tại điều 64 Luật Doanh nghiệp 2014 về quyền và nghĩa vụ của Giám đốc như sau:

 

Điều 64. Giám đốc, Tổng giám đốc

 

1. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

 

2. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

 

a) Tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng thành viên;

 

b) Quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty;

 

c) Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;

 

d) Ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;

 

đ) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên;

 

e) Ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên;

 

g) Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức công ty;

 

h) Trình báo cáo quyết toán tài chính hằng năm lên Hội đồng thành viên;

 

i) Kiến nghị phương án sử dụng lợi nhuận hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;

 

k) Tuyển dụng lao động;

 

l) Quyền và nghĩa vụ khác được quy định tại Điều lệ công ty, hợp đồng lao động mà Giám đốc hoặc Tổng giám đốc ký với công ty theo nghị quyết của Hội đồng thành viên.

 

Theo Luật quy định, Giám đốc có quyền được quy định tại Điều lệ công ty, hợp đồng lao động mà Giám đốc hoặc Tổng giám đốc ký với công ty theo nghị quyết của Hội đồng thành viên. Nếu trong Điều lệ công ty hoặc hợp đồng lao động mà giám đốc công ty bạn ký với công ty có quy định về việc giám đốc có quyền yêu cầu thành viên góp vốn phải bù lỗ hoặc có quy định về việc bù lỗ thì bạn sẽ phải bù lỗ theo đúng yêu cầu của giám đốc.

 

Theo quy định tại Điều 50 Luật Doanh nghiệp 2014 về quyền của thành viên và điều 166 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền đòi lại tài sản như sau:

 

Điều 50. Quyền của thành viên

 

1. Tham dự họp Hội đồng thành viên, thảo luận, kiến nghị, biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên.

 

2. Có số phiếu biểu quyết tương ứng với phần vốn góp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 48 của Luật này.

 

3. Được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

 

4. Được chia giá trị tài sản còn lại của công ty tương ứng với phần vốn góp khi công ty giải thể hoặc phá sản.

 

5. Được ưu tiên góp thêm vốn vào công ty khi công ty tăng vốn điều lệ.

 

6. Định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ, tặng cho và cách khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

 

7. Tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật và cán bộ quản lý khác theo quy định tại Điều 72 của Luật này.

 

8. Trừ trường hợp quy định tại khoản 9 Điều này, thành viên, nhóm thành viên sở hữu từ 10% số vốn điều lệ trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định còn có thêm các quyền sau đây:

 

a) Yêu cầu triệu tập họp Hội đồng thành viên để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền;

 

b) Kiểm tra, xem xét, tra cứu sổ ghi chép và theo dõi các giao dịch, sổ kế toán, báo cáo tài chính hằng năm;

 

c) Kiểm tra, xem xét, tra cứu và sao chụp sổ đăng ký thành viên, biên bản họp và nghị quyết của Hội đồng thành viên và các hồ sơ khác của công ty;

 

d) Yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc họp Hội đồng thành viên, nếu trình tự, thủ tục, điều kiện cuộc họp hoặc nội dung nghị quyết đó không thực hiện đúng hoặc không phù hợp với quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

 

9. Trường hợp công ty có một thành viên sở hữu trên 90% vốn điều lệ và Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại khoản 8 Điều này thì nhóm thành viên còn lại đương nhiên có quyền theo quy định tại khoản 8 Điều này.

 

10. Các quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

 

Điều 166. Quyền đòi lại tài sản

 

1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.

 

2. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó.

 

Bạn có quyền được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp trong công ty sau khi công ty đã nộp đủ các loại thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. Với trường hợp của bạn, nếu quyền được chia lợi nhuận của bạn bị xâm phạm, bạn có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

 

Trân trọng,

P. Luật sư tư vấn Doanh nghiệp - Công ty Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo