LS Trần Liên

Quyền cung cấp dịch vụ pháp lí của tổ chức hành nghề luật sư

Tổ chức hành nghề luật sư có được cung cấp dịch vụ công chứng, chứng thực không?


Nội dung tư vấn:

Thưa Luật sư, gần đây tôi thấy nhiều VP luật sư có cung cấp dịch vụ pháp lý là Chứng thực vào di chúc thừa kế tài sản. Tuy nhiên, theo tôi được biết đối với di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực thì theo quy định của BLDS về di chúc, chỉ Tổ chức công chứng mới được công chứng di chúc hoặc UBND cấp xã mới được chứng thực di chúc. Tổ chức hành nghề Luật sư không được phép cung cấp dịch vụ này. Xin Luật sư cho biết có đúng như vậy không? Nếu tổ chức hành nghề luật sư được phép cung cấp.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp này của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định của Luật công chứng thì tổ chức được thực hiện hoạt động công chứng là Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng. Đối với hoạt động chứng thực, UBND xã có thẩm quyền thực hiện hoạt động chứng thực giấy tờ. 

Về hoạt động hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư:

Theo quy định của pháp luật, hoạt động hành nghề luật sư được quyền tham gia tố tụng; tư vấn pháp luật; đại diện ngoài tố tụng; trợ giúp tư vấn miễn phí và cung cấp dịch vụ pháp lý khác.

Điều 30 Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định hoạt động dịch vụ pháp lý khác của luật sư :

1. Dịch vụ pháp lý khác của luật sư bao gồm giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại; dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật.
 

2. Khi thực hiện dịch vụ pháp lý khác, luật sư có quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật có liên quan.

Theo đó hoạt động dịch vụ pháp lí khác là hoạt động giúp đỡ khác hàng thực hiện các thủ tục hành chính, giúp đỡ khác hàng thực hiện các công việc như xác nhận giấy tờ, văn bản...

Đối với tổ chức hành nghề luật sư thì theo Điều 39 Luật Luật sư năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định quyền của tổ chức hành nghề luật sư: 

1. Thực hiện dịch vụ pháp lý.

2. Nhận thù lao từ khách hàng.

3. Thuê luật sư Việt Nam, luật sư nước ngoài và nhân viên làm việc cho tổ chức hành nghề luật sư.

4. Hợp tác với tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.

5. Thành lập chi nhánh, văn phòng giao dịch trong nước.

6. Đặt cơ sở hành nghề ở nước ngoài.

7. Các quyền khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo quy định này, các tổ chức hành nghề luật sư có quyền cung cấp các dịch vụ pháp lí đúng với hoạt động đăng kí hành nghề. Một trong những công việc thuộc dịch vụ pháp lí là giúp đỡ khách hàng trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, xác nhận giấy tờ văn bản.

Như vậy, tổ chức hành nghề luật sư không có thẩm quyền công chứng hay chứng thực các văn bản giấy tờ. Mà tổ chức hành nghề luật sư chỉ thực hiện hoạt động giúp đỡ khách hàng bằng việc đại diện cho khách hàng đi tới tổ chức hành nghề công chứng hoặc UBND xã để làm các thủ tục công chứng, chứng thực theo yêu cầu của khách hàng.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quyền cung cấp dịch vụ pháp lí của tổ chức hành nghề luật sư. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
Cv.Trần Liên - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo