Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Quy định về thanh tra thuế

Quy định về các trường hợp thanh tra thuế, quyết định thanh tra thuế, thời hạn thanh tra thuế, nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra thuế,… cụ thể như sau:


Các trường hợp thanh tra thuế

 

+   Đối với doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh đa dạng, phạm vi kinh doanh rộng thì thanh tra định kỳ một năm không quá một lần.

 

+   Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế.

 

+   Để giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính.

 

Quyết định thanh tra thuế

 

+   Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp có thẩm quyền ra quyết định thanh tra thuế.

 

+   Quyết định thanh tra thuế phải phải có các nội dung sau đây:

 

-    Căn cứ pháp lý để thanh tra thuế;

 

-    Đối tượng, nội dung, phạm vi, nhiệm vụ thanh tra thuế;

 

-    Thời hạn tiến hành thanh tra thuế;

 

-    Trưởng đoàn thanh tra thuế và các thành viên khác của đoàn thanh tra thuế.

 

+   Chậm nhất là ba ngày làm việc, kể từ ngày ký, quyết định thanh tra thuế phải được gửi cho đối tượng thanh tra.


Quyết định thanh tra thuế phải được công bố chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày ra quyết định thanh tra thuế.

 

Thời hạn thanh tra thuế

 

+   Thời hạn một lần thanh tra thuế không quá ba mươi ngày, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra thuế.

 

+   Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra thuế gia hạn thời hạn thanh tra thuế. Thời gian gia hạn không vượt quá ba mươi ngày.

 

Nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra thuế

 

+   Người ra quyết định thanh tra thuế có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

 

-    Chỉ đạo, kiểm tra đoàn thanh tra thuế thực hiện đúng nội dung, thời hạn ghi trong quyết định thanh tra thuế;

 

-    Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra thuế; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra thuế cung cấp thông tin, tài liệu đó;

 

-    Áp dụng các biện pháp quy định;

 

-    Trưng cầu giám định về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra thuế;

 

-    Tạm đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ việc làm khi xét thấy việc làm đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

 

-    Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về thuế; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quyết định xử lý về thanh tra thuế;

 

-    Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến trách nhiệm của trưởng đoàn thanh tra thuế, các thành viên khác của đoàn thanh tra thuế;

 

-    Kết luận về nội dung thanh tra thuế.

 

+   Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định nêu trên, người ra quyết định thanh tra thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

 

Nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra thuế, thành viên đoàn thanh tra thuế

 

+   Trưởng đoàn thanh tra thuế có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

 

-    Tổ chức, chỉ đạo các thành viên trong đoàn thanh tra thuế thực hiện đúng nội dung, đối tượng, thời hạn đã ghi trong quyết định thanh tra thuế;

 

-    Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra thuế; khi cần thiết có thể tiến hành kiểm kê tài sản của đối tượng thanh tra liên quan đến nội dung thanh tra thuế;

 

-    Áp dụng biện pháp quy định;

 

-    Lập biên bản thanh tra thuế;

 

-    Báo cáo với người ra quyết định thanh tra thuế về kết quả thanh tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của báo cáo đó;

 

-    Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền ra quyết định xử lý vi phạm;

 

+   Thành viên đoàn thanh tra thuế có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

 

-    Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của trưởng đoàn thanh tra thuế;

 

-    Kiến nghị xử lý những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra thuế;

 

-    Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với trưởng đoàn thanh tra thuế.

 

+   Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều này, trưởng đoàn thanh tra thuế, thành viên đoàn thanh tra thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định và hành vi của mình.

 

Nghĩa vụ và quyền của đối tượng thanh tra thuế

 

+   Đối tượng thanh tra thuế có các nghĩa vụ sau đây:

 

-    Chấp hành quyết định thanh tra thuế;

 

-    Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, trưởng đoàn thanh tra thuế và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp;

 

-    Chấp hành yêu cầu, kết luận thanh tra thuế, quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế, trưởng đoàn thanh tra thuế và cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

 

-    Ký biên bản thanh tra trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc thanh tra thuế.

 

+   Đối tượng thanh tra thuế có các quyền sau đây:

 

-    Giải trình về những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra thuế;

 

-    Bảo lưu ý kiến trong biên bản thanh tra thuế;

 

-    Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung thanh tra thuế, thông tin, tài liệu thuộc bí mật Nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

 

-    Khiếu nại với người ra quyết định thanh tra thuế về quyết định, hành vi của trưởng đoàn thanh tra thuế, thành viên đoàn thanh tra thuế khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật. Trong khi chờ giải quyết khiếu nại, người khiếu nại vẫn phải thực hiện các quyết định đó;

 

-    Yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

 

-    Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, trưởng đoàn thanh tra thuế, thành viên khác của đoàn thanh tra thuế.

 

Kết luận thanh tra thuế

 

+   Chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra thuế, người ra quyết định thanh tra thuế phải có văn bản kết luận thanh tra thuế. Kết luận thanh tra thuế phải có các nội dung sau đây:

 

-    Đánh giá việc thực hiện pháp luật về thuế của đối tượng thanh tra thuộc nội dung thanh tra thuế;

 

-    Kết luận về nội dung được thanh tra thuế;

 

-    Xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm (nếu có);

 

-    Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

 

+   Trong quá trình ra văn bản kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra báo cáo, yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình để làm rõ thêm những vấn đề cần thiết phục vụ cho việc ra kết luận thanh tra thuế.

 

Trân trọng!

Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo