Phạm Diệu

Làm thế nào để đòi nợ khi doanh nghiệp đã giải thể?

Luật sư tư vấn về trường hợp đòi nợ khi doanh nghiệp đã giải thể. Nội dung tư vấn như sau:

 

Xin chào VP tư vấn luật Minh Gia. Tôi cần VP tư vấn  như sau: Năm 2012: Cá nhân Tôi có ký Hợp đồng cho vay tiền một GĐ xí nghiệp là đơn vị phụ thuộc CtyCP để huy động vốn sản xuất kinh doanh. Hợp đồng vẫn đáo hạn tiếp đến hết tháng 12/2016.Tuy nhiên trong thời trên( tháng 11/2016) Tổng GĐ công ty có Quyết định giải thể xí nghiệp đơn vị phụ thuộc vay tiền cá nhân tôi. Số tiền ký hợp đồng vay có trong biên bản bàn giao từ xí nghiệp với Công ty cp Tôi muốn hỏi:Khi giải thể xí nghiệp thì tiền tôi cho vay thì Công ty cp mẹ có thanh toán số tiền trong hợp đồng cho tôi, hay là vẫn Giám đốc xí nghiệp đã giải thể phải chịu trách nhiệm trả tiền theo như trong HĐ đã ký.Vì đến nay đã quá thời gian hết hạn từ lâu nhưng TGĐ chưa giải quyết thanh lý hợp đồng cho tôi.Rất mong Cty Luật tư vấn cho tôi. Phương án giải quyết như thế nào?Trân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn anh/chị đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của anh/chị, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2014 về điều kiện giải thể doanh nghiệp như sau: ''Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.''

 

Như vậy, căn cứ quy định trên, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi doanh nghiệp đảm bảo đã thanh toán hết tất cả khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. 

 

Tại Khoản 5 Điều 202 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:

 

5. Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự sau đây:

 

a) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;

 

b) Nợ thuế;

 

c) Các khoản nợ khác.

 

Mặt khác, tại Điều 204 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định như sau:

 

“…

2. Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần, thành viên Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, thành viên hợp danh, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ giải thể doanh nghiệp.

 

3. Trường hợp hồ sơ giải thể không chính xác, giả mạo, những người quy định tại khoản 2 Điều này phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán số nợ chưa thanh toán, số thuế chưa nộp và quyền lợi của người lao động chưa được giải quyết và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những hệ quả phát sinh trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến Cơ quan đăng ký kinh doanh.

 

Theo thông tin anh/chị cho biết, khi xí nghiệp giải thể vẫn chưa thanh toán hết các khoản nợ. Như vậy,đã có hành vi cố tình không kê khai các khoản nợ chưa thanh toán khi làm hồ sơ giải thể nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Vì thế, hồ sơ giải thể không đảm bảo tính trung thực và tính chính xác. 

 

Trong trường hợp này, anh/chị có thể yêu cầu người quản lý, đứng đầu doanh nghiệp cụ thể là Tổng Giám đốc và Giám đốc xí nghiệp phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ. Trường hợp, có hành vi trốn tránh nghĩa vụ, anh/chị có thể làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề anh/chị hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, anh/chị vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Phạm Diệu - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo