Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Kinh doanh nhà hàng tiệc cưới không có giấy phép kinh doanh

Thưa luật Minh Gia, tôi có thắc mắc mong được giải đáp. Hiện nay ở nơi tôi đang sống có một số cá nhân tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ nhận nấu tiệc cưới tại nhà, nhận đặt tiệc lớn với quy mô khách từ 500-1000/ tiệc. Họ không hề có giấy phép kinh doanh dịch vụ hay là giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm mà vẫn hoạt động tự do và tự phát rất nhiều,

nếu không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm không may bị ngộ độc thực phẩm thì ai sẽ chiu trách nhiệm. Vậy cho tôi hỏi những loại hình dịch vụ trên có bị pháp luật nghiêm cấm hay không? Nếu cấm thì có thể khiếu kiện những cá nhân tổ chức đó như thế nào? Mong luật sư giải đáp! Xin cảm ơn!

 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Gia. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp thì những nhà hàng tiệc cưới gần nhà bạn kinh doanh dịch vụ nhà hàng tiệc cưới nhưng chưa có giấy phép kinh doanh và  cũng không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là hai hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, và bạn có thể khiến nại lên cơ quan có thẩm quyền quản lý về hành vi vi phạm để xử lý vi phạm kịp thời tránh ảnh hưởng đến lợi ích công cộng. 

Hành vi kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính theo điều điểm a khoản 4 điều 7 được sửa đổi bổ sung trong nghị định 124/2015/NĐ-CP như sau:

Điều 7. Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo Giấy phép kinh doanh

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh mà không có Giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh theo quy định;

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh trong thời gian bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi Giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh.

6. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ Khoản 1 đến Khoản 5 Điều này đối với đối tượng hoạt động sản xuất công nghiệp hoặc kinh doanh phân phối, bán buôn sản phẩm rượu, sản phẩm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 và Khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.”

Hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 159 của Bộ luật Hình sự 

Điều 159. Tội kinh doanh trái phép

1.  Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm:

a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 160, 161, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;

b) Hàng phạm pháp có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng.

2.  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm:

a) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

b) Mạo nhận một tổ chức không có thật;

c) Hàng phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;

d) Thu lợi bất chính lớn.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Về hành vi kinh doanh thực phẩm mà không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với việc xử phạt vi phạm hành chính thì có thể bị xử phạt dưới các hình thức được quy định tại điều 3 nghị định 178/2013/NĐ-CP

Điều 3. Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

b) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

3. Ngoài hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm d, đ, e, g và h Khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y đối với sản phẩm động vật trên cạn chưa qua kiểm tra vệ sinh thú y trước khi sản xuất, chế biến thực phẩm;

b) Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa vi phạm;

c) Buộc hủy bỏ kết quả kiểm nghiệm được thực hiện từ mẫu thực phẩm bị đánh tráo hoặc giả mạo hoặc phiếu kết quả kiểm nghiệm được cấp sai quy định;

d) Buộc tiêu hủy giấy tờ giả;

đ) Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Ngoài ra có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 244 Bộ luật Hình sự

Điều 244. Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm

1. Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ một năm đến năm  năm.

2.  Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến  mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công  việc nhất định từ một  năm đến năm năm.

Trong trường hợp, xảy ra ngộ độc thực phẩm thì chủ nhà hàng có trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Bộ luật dân sự 2005 cho người bị thiệt hại, nếu xảy ra thiệt hại nghiêm trọng thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 244 ở trên thì ngoài việc chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của Bộ luật dân sự thì chủ nhà hàng còn phải chịu trách nhiệm hình sự. 

 

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp: ( Tổng đài luật sư trực tuyến 1900.6169 )

 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo