Luật sư Trần Khánh Thương

Dịch vụ hỗ trợ vay tiền, cho vay tiền đăng ký thế nào?

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Theo đó, các bên có thể thỏa thuận vay có lãi suất hoặc vay không có lãi suất song sự thỏa thuận về lãi suất phải phù hợp với quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, có nhiều cá nhân, tổ chức đang có nhu cầu thực hiện hoạt động kinh doanh cho vay tiền. Vậy thực hiện hoạt động kinh doanh cho vay tiền thế nào để không trái quy định pháp luật? Dưới đây là một ví dụ điển hình.

Câu hỏi:

Xin kính chào luật Minh Gia, tôi có một số vấn đề sau xin nhờ luật sự tư vấn của Luật sư:

- Hiện tại tôi muốn mở dịch vụ cho vay tiền có văn phòng và thuê nhân viên đàng hoàng, như vậy tôi có cần đăng ký gì với pháp luật trước khi vào hoạt động không?

- Tôi được biết lãi xuất quy định là 20%/năm nhưng tôi vẫn không hiểu cách tính như thế nào xin nhờ luật sư giúp đỡ? Ví dụ tôi cho vay 1.000.000đ lãi xuất 3% trên tháng là 30.000đ như vậy có vi phạm và tôi có bị hình sự không ạ? Xin nhờ luật sư giúp đỡ, mong nhận được hồi âm ạ!

Giải đáp:

- Thứ nhất, về kinh doanh dịch vụ cho vay tiền

Theo quy định tại khoản 14 Điều 4 Luật các tổ chức tính dụng 2010, sửa đổi 2017 quy định về hoạt động cấp tín dụng thì: "Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.”

Đối chiếu với quy định nêu trên thì hoạt động kinh doanh cho vay tiền là ngành nghề kinh doanh có điều kiện do tổ chức tín dụng thực hiện. Theo đó, khoản 1 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng quy định tổ chức tín dụng phải là doanh nghiệp đáp ứng những điều kiện nhất định, vì vậy trường hợp bạn muốn kinh doanh hoạt động cho vay tiền thì phải tiến hành thành lập tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, bạn cũng có thể kinh doanh hoạt động cho vay tiền dưới hình thức Hộ kinh doanh với ngành, nghề là cầm đồ. Khoản 4 Điều 3 Nghị định 96/2016 NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định như sau:

“Điều 3. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và phạm vi quản lý 4. Kinh doanh dịch vụ cầm đồ, gồm: Kinh doanh dịch vụ cho vay tiền mà người vay tiền phải có tài sản hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố.”

Căn cứ theo quy định nêu trên, trường hợp bạn có thực hiện hoạt động cho vay tiền và yêu cầu người vay phải cầm cố tài sản khác để đảm bảo khoản vay thì có thể đăng ký hộ kinh doanh với ngành nghề là cầm đồ.

=> Như vậy, nếu bạn kinh doanh hoạt động cho vay tiền thì bạn phải đăng ký một trong hai hình thức đó là thành lập tổ chức tín dụng hoặc Hộ kinh doanh với ngành, nghề là cầm đồ. 

- Thứ hai, về lãi suất cho vay

Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 quy định về lãi suất cho vay như sau:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.”

Đối chiếu với quy định nêu trên thì lãi suất cho vay sẽ không quá 20%/năm tương đương với không quá xấp xỉ 1,67%/tháng.

- Thứ ba, về hành vi cho vay vượt quá quy định pháp luật

Trường hợp cho vay với lãi suất quá cao có thể vi phạm pháp luật hình sự. Cụ thể, Điều 201 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau:

“Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy nếu chủ thể thực hiện hoạt động cho vay với lãi suất là 100%/năm trở lên và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc bị phạt hành chính, bị kết án tội này mà tái phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Trường hợp bạn cho vay dân sự giữa các cá nhân hoặc thành lập Hộ kinh doanh với ngành nghề cầm đồ thì lãi suất cho vay không được vượt quá 20%/năm. Nếu các bên cố tình vi phạm thì phần lãi suất vượt quá sẽ không được pháp luật bảo vệ. Nếu có các hành vi vi phạm Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 thì có thể bị truy cứu TNHS. Bạn cho vay với lãi suất là 3%/tháng thì chưa đến mức bị truy cứu TNHS, tuy nhiên phần lãi suất vượt quá 1,67%/tháng sẽ bị vô hiệu.

Ngoài ra, trường hợp bạn thành lập tổ chức tín dụng thì chịu sự điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng 2010, lãi suất do tổ chức tín dụng ấn định, niêm yết công khai và cùng thỏa thuận với khách hàng. Luật các tổ chức tín dụng không có quy định về mức lãi suất tối đa.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo