Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Hợp đồng BCC và thủ tục đưa máy bay vào Việt Nam?

Em là Nhân viên công ty Dịch vụ Kỹ thuật Hàng không, Bên em đang có nhu cầu tư vấn về Hợp đồng BCC và thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài ở Việt Nam như sau:

Nội dung hợp đồng: Đào tạo phi công tại Việt Nam, Địa điểm đào tạo là tỉnh X.

- Hợp đồng thỏa thuận giữa 3 bên, không đăng kí pháp nhân mới gồm: Học viên Hàng không Việt Nam – cung cấp cơ sở vật chất cho đào tạo tại Tỉnh Khánh Hòa; Công ty của New Zealand - cung cấp giáo viên, nội dung giảng dạy; Công ty … thực hiện tổ chức tuyển dụng và quản lý đào tạo.

- Thời gian hợp đồng : 03 tháng.

Bên em chưa kí hợp đồng 3 bên nào nên muốn xin tư vấn về việc lập nội dung hợp đồng như thế nào? Cần các thủ tục gì và trình ban ngành nào phê duyệt?

Ngoài ra bên công ty nước ngoài muốn đưa 03 máy bay sang Việt Nam để phục vụ cho việc đào tạo, nhờ các anh chị tư vấn thủ tục cần thiết cho việc này ạ.

Công ty em chịu trách nhiệm lập hợp đồng, xin giấy phép đưa máy bay vào VN và xin cấp giấy phép lao động cho giáo viên sang Việt Nam dạy.

Mong sớm nhận được sự tư vấn của anh chị. Em cảm ơn ạ.

 

Luật Minh Gia xin trả lời bạn như sau:

 

I. Thứ nhất, Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC).

 

- Về nội dung của hợp đồng hợp tác kinh doanh:

 

Theo Điều 55 Nghị định 108/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số Điều của Luật đầu tư, có quy định về hợp đồng hợp tác kinh doanh có những nội dung chủ yếu sau:
 

1. Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh; địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ nơi thực hiện dự án.

2. Mục tiêu và phạm vi kinh doanh.

3. Đóng góp của các bên hợp doanh, việc phân chia kết quả đầu tư, kinh doanh, tiến độ thực hiện hợp đồng.

4. Tiến độ thực hiện dự án.

5. Thời hạn hợp đồng.

6. Quyền, nghĩa vụ của các bên hợp doanh.

7. Các nguyên tắc tài chính.

8. Thể thức sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, điều kiện chuyển nhượng.

9. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.

Ngoài các nội dung trên, các bên hợp doanh có quyền thỏa thuận những nội dung khác trong hợp đồng hợp tác kinh doanh nhưng không trái với quy định của pháp luật.

Hợp đồng hợp tác kinh doanh phải do đại diện có thẩm quyền của các bên hợp doanh ký tắt vào từng trang và ký đầy đủ vào cuối hợp đồng. Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa bên Việt Nam và bên nước ngoài có hiệu lực kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

 

- Hình thức của hợp đồng hợp tác kinh doanh: Hợp đồng BBC phải bằng văn bản trong trường hợp dự án đầu tư bằng hợp đồng BBC phải làm thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra đầu tư.

 

Theo Khoản 12 Phụ lục III Ban hành kèm theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP quy định danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện, thì đào tạo phi công là thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.

 

Do đó, căn cứ theo Điều 46 Nghị định 108/2006/NĐ-CP quy định về thẩm tra đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư dưới 300 tỷ đồng Việt Nam và thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện như sau:
 

* Hồ sơ thẩm tra đầu tư gồm:

- Văn bản đăng ký đầu tư (theo mẫu);

-  Hợp đồng hợp tác kinh doanh đối với hình thức đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh;

-  Báo cáo năng lực tài chính của nhà đầu tư (do nhà đầu tư lập và chịu trách nhiệm).

( - Đối với trường hợp dự án đầu tư gắn với việc thành lập tổ chức kinh tế, ngoài hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này, nhà đầu tư phải nộp kèm theo:

+ Hồ sơ đăng ký kinh doanh tương ứng với mỗi loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan;

+  Hợp đồng liên doanh đối với hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.)

 

Và giải trình khả năng đáp ứng điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng theo quy định của pháp luật đối với dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện quy định tại Điều 29 của Luật Đầu tư và Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

 

Nếu dự án có quy mô góp vốn đầu tư từ 300 tỷ đồng thì căn cứ tại Điều 47 nghị định 108/2006/NĐ-CP có quy định như sau:
 

* Hồ sơ thẩm tra đầu tư gồm:

- Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư (theo mẫu);

- Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của nhà đầu tư: bản sao quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc các tài liệu tương đương khác đối với nhà đầu tư là tổ chức; bản sao hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân đối với nhà đầu tư là cá nhân;

- Báo cáo năng lực tài chính của nhà đầu tư (do nhà đầu tư lập và chịu trách nhiệm);

- Giải trình kinh tế - kỹ thuật bao gồm các nội dung chủ yếu: mục tiêu, quy mô, địa điểm đầu tư; vốn đầu tư; tiến độ thực hiện dự án; nhu cầu sử dụng đất; giải pháp về công nghệ và giải pháp về môi trường;

- Hợp đồng hợp tác kinh doanh đối với hình thức đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh.

( Đối với trường hợp thực hiện thủ tục đầu tư đồng thời với thủ tục đăng ký kinh doanh, ngoài hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này, nhà đầu tư phải nộp kèm theo:

- Hồ sơ đăng ký kinh doanh tương ứng với mỗi loại hình tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan;

- Hợp đồng liên doanh đối với hình thức thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.)

Và giải trình khả năng đáp ứng điều kiện tham gia thị trường quy định đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện quy định tại Điều 29 của Luật Đầu tư và Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

 

- Thẩm quyền giải quyết:

 

Tại Khoản 1Điều 49 Nghị định 108/2009/NĐ-CP quy trình thẩm tra dự án đầu tư thuộc diện thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư:
 

"Nhà đầu tư nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư 8 bộ hồ sơ dự án đầu tư, trong đó có 1 bộ hồ sơ gốc đối với dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấpGiấy chứng nhận đầu tư; nộp cho Ban Quản lý 4 bộ hồ sơ dự án đầu tư, trong đó có 1 bộ hồ sơ gốc đối với dự án do Ban Quản lý cấp Giấy chứng nhận đầu tư".

 

II. Thứ hai, thủ tục đưa máy bay vào Việt Nam:

 

Tại Khoản 3 Điều 19 Luật hàng không Việt Nam quy định về điều kiện nhập khẩu, xuất khẩu tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và phụ tùng tàu bay như sau:
 

"Tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và phụ tùng tàu bay nhập khẩu với mục đích làm đồ dùng học tập và các mục đích phi hàng không khác không được sử dụng vào hoạt động hàng không dân dụng".

 

Và Khoản 3 Điều 4 Nghị định 12/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài, có quy định thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu như sau:
 

"Các hàng hóa khác không thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hoá cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và các hàng hóa không thuộc quy định tại các khoản 1, 2 Điều này, chỉ phải làm thủ tục thông quan tại Hải quan cửa khẩu".

 

Do đó, việc đưa máy bay vào Việt Nam với mục đích phục vụ cho việc đào tạo phi công thì chỉ cần làm thủ tục hải quan theo quy định pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hợp đồng BCC và thủ tục đưa máy bay vào Việt Nam?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

 

Trân trọng!
P. luật sư Doanh nghiệp - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo