Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Hỏi tư vấn về thủ tục thành lập công đoàn và quy định về phí công đoàn?

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Chào luật sư, cho tôi hỏi trường hợp liên quan đến thu, phân phối kinh phí công đoàn giữa công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên cơ sở và Đối tượng, mức đóng và tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí cũng như thủ tục thành lập công đoàn. Tôi xin cảm ơn

 

Trả lời: Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng gửi đề nghị tư vấn đến mang tìm hiểu pháp luật trực thuộc Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của anh/chị chúng tôi có ý kiến tư vấn như sau:

 
Thứ nhất, quy định của pháp luật về thu, phân phối kinh phí công đoàn giữa công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên cơ sở.
 
Tài chính công đoàn gồm các nguồn thu theo quy định tại Điều 26 Luật công đoàn 2012 như sau:
 
“ 1. Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
 
2. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;
...”
 
Mức đóng và căn cứ đóng kinh phí công đoàn được hướng dẫn cụ thể tại Điều 5 Nghị định 191/2013/ NĐ – CP hướng dẫn Luật Công đoàn 2012 như sau:
 
“ Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội”.
 
Vậy, hàng tháng doanh nghiệp của chị phải trích 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động vào thời điểm đóng bảo hiểm xã hội.
 
Khoản 1 Điều 6 Nghị định 191/2013/NĐ – CP quy định về thời điểm đóng và phương thức đóng kinh phí công đoàn như sau: “1. Cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động thường xuyên đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.”
 
Điều 6 Quyết định 270/ QĐ – TLĐ quy định về phân phối nguồn thu tài chính cho công đoàn cơ sở như sau:
 
“ 1- Công đoàn cơ sở được sử dụng 65% tổng số thu kinh phí công đoàn, 60% tổng số thu đoàn phí công đoàn và 100% tổng số thu khác của đơn vị.
 
2- Nộp kinh phí lên công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở được phân cấp thu kinh phí công đoàn.
Công đoàn cơ sở được phân cấp thu kinh phí công đoàn phải nộp lên công đoàn cấp trên được phân cấp quản lý tài chính công đoàn cơ sở 35% tổng số thu kinh phí công đoàn và 40% tổng số thu đoàn phí công đoàn. Trong năm nộp theo dự toán, khi có quyết toán nộp theo số thu quyết toán.
 
3- Cấp kinh phí công đoàn cho công đoàn cơ sở không được phân cấp thu kinh phí công đoàn.
 
Công đoàn cấp trên được phân cấp thu kinh phí công đoàn khi nhận được kinh phí công đoàn của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng có trách nhiệm cấp 65% tổng số thu kinh phí công đoàn thu được cho công đoàn cơ sở (khi cấp được bù trừ với 40% tổng số thu đoàn phí công đoàn cơ sở phải nộp công đoàn cấp trên).
 
4- Đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở: Công đoàn cấp trên được phân cấp thu kinh phí công đoàn khi nhận được kinh phí của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng, được sử dụng 65% tổng số thu để chi cho hoạt động tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, ký thỏa ước lao động tập thể, bảo vệ, chăm lo cho người lao động tại các đơn vị này. Cuối năm số kinh phí sử dụng cho các hoạt động trên chưa hết chuyển thành tích lũy và trả lại cho công đoàn cơ sở sau khi công đoàn cơ sở của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thành lập”.
 
Trường hợp doanh nghiệp của chị chưa thành lập công đoàn cơ sở thì công đoàn cấp trên được phân cấp thu kinh phí công đoàn khi nhận được kinh phí của doanh nghiệp chị đóng được sử dụng 65% tổng số thu để chi cho các hoạt động nêu tại khoản 4 Điều 6 nêu trên.
 
Cuối năm, nếu số kinh phí sử dụng cho các hoạt động trên chưa hết sẽ chuyển thành tích lũy và trả lại cho công đoàn cơ  sở sau khi công đoàn cơ sở của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thành lập.
 
Thứ hai, đó là khoản đoàn phí và phân cấp sử dụng khoản tài chính trên.
 
Đối tượng, mức đóng và tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí được quy định tại điểm 1.3 Khoản 1 Hướng dẫn 258/ HD – TLĐ:
 
“ 1.3- Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước (bao gồm cả Công ty cổ phần nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối); đơn vị sự nghiệp ngoài công lập hưởng tiền lương không theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định; Liên hiệp hợp tác xã; các tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; Văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam, mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội”.
 
Công văn 449/TLĐ năm 2014 hướng dẫn chi tiết quy định trên như sau:
 
"Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước (bao gồm cả Công ty cổ phần nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối); đơn vị sự nghiệp ngoài công lập hưởng tiền lương không theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định; Liên hiệp hợp tác xã; các tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; Văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam, mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội, nhưng mức đóng hàng tháng tối đa bằng 10% tiền lương cơ sở theo quy định của Nhà nước".
 
Vậy, doanh nghiệp sẽ trích 1% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của đoàn viên, nhưng mức đóng hàng tháng tối đa bằng 10% tiền lương cơ sở theo quy định của Nhà nước. Tiền lương cơ sở tại thời điểm hiện tại là 1.150.000 VNĐ.
 
Nếu doanh nghiệp thành lập công đoàn cơ sở, được phân cấp thu đoàn phí thì sẽ thu và được sử dụng 60% tổng số đoàn phí, 40% sẽ nộp cho công đoàn cấp trên trực tiếp. Trường hợp đơn vị không được phân cấp thu đoàn phí thì sẽ nhận lại 60% từ công đoàn cấp trên trực tiếp được phân cấp thu đoàn phí.
 

Thứ ba về Quy trình thành lập Công đoàn cơ sở

 

Bước 1. Thành lập Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở(sau đây gọi tắt là Ban vận động):

 

+ Điều kiện thành lập Ban vận động: Khi có từ ba người lao động trở lên đang làm việc tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.

 

+ Người lao động (có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam) tự tập hợp, thống nhất bầu Trưởng ban vận động.

 

+ Ban vận động có trách nhiệm: tổ chức vận động thành lập Công đoàn cơ sở; vận động người lao động tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam; đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hướng dẫn việc tổ chức hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở.

 

Bước 2: Tổ chức hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở:

 

- Nội dung hội nghị gồm:

 

+ Báo cáo quá trình vận động người lao động gia nhập công đoàn và tổ chức thành lập Công đoàn cơ sở;

 

+ Báo cáo danh sách người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn (hoặc danh sách những người đã là đoàn viên công đoàn hiện đang công tác tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp);

 

+ Tuyên bố thành lập Công đoàn cơ sở;

 

+ Bầu Ban chấp hành Công đoàn cơ sở;

 

+ Thông qua chương trình hoạt động của Công đoàn cơ sở.

 

- Đối với việc bầu cử Ban chấp hành tại hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở thực hiện theo nguyên tắc bỏ phiếu kín, người trúng cử phải có số phiếu tán thành quá 1/2 so với số phiếu thu về. Phiếu bầu cử phải có chữ ký của trưởng ban vận động ở góc trái, phía trên phiếu bầu.

 

Bước 3: Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (Liên đoàn lao động cấp huyện, Công đoàn ngành) ra quyết định công nhận:

 

Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm thẩm định tính hợp pháp của quá trình thành lập Công đoàn cơ sở.

 

- Trường hợp đủ điều kiện thì ra các quyết định: công nhận đoàn viên, công nhận Công đoàn cơ sở, công nhận Ban chấp hành.

 

- Trường hợp không đủ điều kiện công nhận thì thông báo bằng văn bản tới Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở.

 

Anh/chị tham khảo để giải quyết vướng mắc của mình, nếu còn chưa rõ hoặc cần hộ trợ, tư vấn thêm anh/chị vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến qua điện thoại, bằng cách gọi 1900.6169 để được giải đáp:

 

Trân trọng

P Luật sư Lao động - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo