Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Hỏi tư vấn về lập quỹ dự phòng đối với Chi nhánh của công ty

Luật sư tư vấn trường hợp Chi nhánh công ty không có khả năng thanh toán và ngưng hoạt động nhưng vẫn chưa giải thể. Công ty đã trích lập dự phòng phải thu hồi đòi 6 tỷ đồng theo Thông tư 228 nhưng khi cơ quan thuế kiểm tra thì không chấp nhập khoản dự phòng này. Nội dung cụ thể như sau:

Nội dung hỏi: Tôi có vấn đề này xin luật sư tư vấn giúp :

Công ty chúng tôi có một Chi nhánh ở Hà Nội (Chi nhánh này hạch toán độc lập). Trong hoạt động kinh doanh giữa công ty và chi nhánh có giao dịch mua bán hàng hóa với nhau (phát sinh công nợ phải thu phải trả). Trong năm 2006 công ty có bán cho chi nhánh một lô hàng trị giá khoảng 6 tỷ. Cho đến năm 2010 chi nhánh không có khả năng thanh toán và ngưng hoạt động kinh doanh để làm thủ tục giải thể (đến nay vẫn chưa giải thể được). Năm 2011 công ty chúng tôi đã trích lập dự phòng phải thu hồi đòi 6 tỷ này theo Thông tư 228 (kiểm toán cũng yêu cầu trích lập tài khoản phải thu 6 tỷ này). Nhưng khi cơ quan thuế xuống công ty kiểm tra quyết toán thuế thì không chấp nhận khoản dự phòng này.

Vậy xin hỏi : cơ quan thuế không chấp nhận khoản dự phòng này ra khỏi chi phí có đúng không ?

Rất mong được sự tư vấn của Luật sư. Chân thành cảm ơn !

 

TRẢ LỜI: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi mail đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
 

Để trả lời cho vấn đề mà bạn đăng thắc mắc, chúng tôi xin đưa ra các căn cứ như sau: theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 228/2009/TT-BTC thì công ty của anh chị phải lập dự phòng nợ phải thu khó đòi nếu đáp ứng đủ các hóa đơn chứng từ về mua bán lô hàng với chi nhánh (hạch toán độc lập).
 

Cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 6 thông tư 228 thì:
 

Doanh nghiệp phải dự kiến mức tổn thất có thể xảy ra hoặc tuổi nợ quá hạn của các khoản nợ và tiến hành lập dự phòng cho từng khoản nợ phải thu khó đòi, kèm theo các chứng cứ chứng minh các khoản nợ khó đòi nói trên. Trong đó:

 

- Đối với nợ phải thu quá hạn thanh toán, mức trích lập dự phòng như sau:

 

+ 30% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ trên 6 tháng đến dưới 1 năm.

 

+ 50% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 1 năm đến dưới 2 năm.

 

+ 70% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 2 năm đến dưới 3 năm.

 

+ 100% giá trị đối với khoản nợ phải thu từ 3 năm trở lên.

 

Đối với nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng tổ chức kinh tế đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể thì doanh nghiệp dự kiến mức tổn thất không thu hồi được để trích lập dự phòng.

 

-Sau khi lập dự phòng cho từng khoản nợ phải thu khó đòi, doanh nghiệp tổng hợp toàn bộ khoản dự phòng các khoản nợ vào bảng kê chi tiết để làm căn cứ hạch toán vào chi phí quản lý của doanh nghiệp.

 

Như vậy, sau khi đã tính toán và lập dự phòng khoản nợ phải thu khó đòi trên phải vào bảng kê chi tiết và được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp.

 

Mặt khác, căn cứ vào khoản 1 Điều 9 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2003, được hướng dẫn tại khoản 5 Nghị định 164/2003 và khoản 5 Nghị định 24/2007 sửa đổi bổ sung Nghị định 164/2003 thì khoản trích lập dự phòng trên thuộc chi phí quản lý doanh nghiệp nhưng không thuộc danh mục các chi phí hợp lý được trừ để tính thu nhập chịu thuế đã được liệt kê trong các điều luật nêu trên.

 

Do đó, cơ quan thuế không chấp nhận khoản dự phòng này là hoàn toàn có căn cứ.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi tư vấn về lập quỹ dự phòng đối với Chi nhánh của công ty. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

 

Trân trọng!

P. Tư vấn - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo