Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Hỏi đáp pháp luật về việc truy thu thuế và xử phạt hành chính

Trong quá trình kinh doanh của các doanh nghiệp vấn đề nộp các khoản thuế đã được quy định vừa là nghĩa vụ vừa là các gánh nặng nhất là đối với các doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả. Từ đó dẫn đến nhiều trường hợp thực hiện hành vi trốn thuế hoặc gian lận trong quá trình kê khai thuế gây thất thoát cho nguồn thu ngân sách của nhà nước.

1. Luật sư tư vấn hành vi trốn thuế

Trên thực tế đã ghi nhận rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp thực hiện hành vi trốn thuế, gian lận trong quá trình kê khai thuế đã bị xử lý theo quy định cụ thể của pháp luật. Các hành vi trốn thuế, gian lận kê khai thuế thường được biểu hiện thông qua nhiều hình thức nhưng phổ biến hơn cả là hành vi bán hàng không xuất hóa đơn. Việc không xuất hóa đơn bán hàng tạo điều kiện cho DN kê khai giảm doanh thu bán hàng, từ đó giảm lợi nhuận và tránh được thuế thu nhập DN. Bên cạnh đó, khi xuất hóa đơn, DN kê khai giảm giá trị hàng bán thấp hơn so với giá trị thực tế mà khách hàng thanh toán cũng là hành vi trốn thuế của DN và của chính khách hàng.

Các hành vi trốn thuế tùy từng mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý về hình sự, do đó các cá nhân, doanh nghiệp nên nắm rõ các quy định về thuế để đảm bảo tránh các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Nếu bạn chưa tìm được đơn vị tư vấn pháp luật cụ thể bạn có thể liên hệ với Luật Minh Gia thông qua các hình thức như tư vấn qua Email hoặc liên hệ với số Hotline 1900.6169 để được bộ phận tư vấn pháp luật thuế của chúng tôi hỗ trợ tư vấn cụ thể các vấn đề bạn vướng mắc.

2. Hỏi đáp pháp luật về việc truy thu thuế và xử phạt hành chính

Câu hỏi: Thưa luật sư Công ty luật Minh Gia, Xin tư vấn cho doanh nghiệp như sau : Trong năm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có mua xăng với số tiền :130.000.000 đồng thuế GTGT là 13.000.000 đồng tổng cộng 143.000.000 đồng. 

Doanh nghiệp em xuất bán lẻ cho khách hàng không lấy hóa đơn .Nên doanh nghiệp hủy bỏ hóa đơn và không kê khai thuế và cũng xuất hóa đơn ra với lương hàng hóa trên ( như là gian lận tờ hóa đơn trên) khi cơ quan thuế quyết toán thuế đã xác minh toàn bộ hóa đơn mua hàng của DN năm 2014 đã phát hiện được hóa đơn cơ quan thuế truy thu và phạt 1 lần số thuế vi phạm lần đầu như sau :

Lấy giá bán thực tế tại thời điểm xuất bán xăng nhân với số lượng lít thành tiền là :155.000.000 đồng thuế GTGT là 15.500.000 đồng

- Truy thu thuế GTGT: 15.500.000 đồng

- Truy thu thuế TNDN : 155.000.000 đồng * thuế suất 20% doanh nghiệp đang áp dụng = 31.000.000 đồng cộng :46.500.000 đồng

- Phạt 1 lần với hành vi trốn thuế :46.500.000 đồng Tổng cộng số thuế phải nộp :93.000.000 đồng Và phạt lĩnh vực kế toán đối với hành vi hủy chứng từ làm giảm số phải nộp .

Vậy, Luật sư tư vấn giúp Doanh nghiệp em cơ quan thuế phạt có đúng không hay là quá nặng đối với doanh nghiệp ?

Xin cảm ơn Luật Minh Gia.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Gia. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Theo những căn cứ mà bạn đưa ra cho chúng tôi, việc doanh nghiệp bạn có hành vi hủy hóa đơn và không kê khai thuế như vậy có thể hiểu rằng đã có hành vi nhằm mục đích trốn thuế.

Theo quy định Điều 13 Thông tư 166/2013/TT-BTC quy định về xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế 

Người nộp thuế có hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định của pháp luật bị xử phạt theo số lần tính trên số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận như sau:

1. Phạt tiền 1 lần tính trên số thuế trốn, số thuế gian lận đối với người nộp thuế vi phạm lần đầu (trừ các trường hợp bị xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư này) hoặc vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên khi có một trong các hành vi vi phạm sau đây: 

a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 32 Luật quản lý thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại Điều 33 của Luật quản lý thuế, trừ trường hợp quy định tại Khoản 6 Điều 9 Thông tư này và Khoản 9 Điều này.

b) Sử dụng hoá đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng bất hợp pháp hoá đơn, chứng từ; hoá đơn không có giá trị sử dụng để kê khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.

c) Lập thủ tục, hồ sơ huỷ vật tư, hàng hoá hoặc giảm số lượng, giá trị vật tư, hàng hoá không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm.

d) Lập hoá đơn sai về số lượng, giá trị hàng hoá, dịch vụ bán ra làm căn cứ kê khai nộp thuế thấp hơn thực tế. 
đ) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp; không kê khai, kê khai sai, không trung thực làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm.

e) Không xuất hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hoá đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hoá, dịch vụ đã bán và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế.

g) Sử dụng hàng hoá được miễn thuế, xét miễn thuế (bao gồm cả không chịu thuế) không đúng với mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế.

h) Sửa chữa, tẩy xoá chứng từ kế toán, sổ kế toán làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.

i) Huỷ bỏ chứng từ kế toán, sổ kế toán làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.

k) Sử dụng hoá đơn, chứng từ, tài liệu không hợp pháp trong các trường hợp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn; khai sai căn cứ tính thuế phát sinh số thuế trốn, số thuế gian lận. 

l) Người nộp thuế đang trong thời gian xin tạm ngừng kinh doanh nhưng thực tế vẫn kinh doanh.
m) Hàng hoá vận chuyển trên đường không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp.

2. Phạt tiền 1,5 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp: vi phạm lần đầu, có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ hai, có một tình tiết giảm nhẹ.

3. Phạt tiền 2 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vi phạm lần thứ ba và có một tình tiết giảm nhẹ.

4. Phạt tiền 2,5 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà có một tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ ba mà không có tình tiết giảm nhẹ.

5. Phạt tiền 3 lần tính trên số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết tăng nặng trở lên hoặc vi phạm lần thứ ba có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm từ lần thứ tư trở đi.

6. Các hành vi trốn thuế, gian lận thuế bị xử phạt quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp đủ số tiền thuế trốn, gian lận vào ngân sách nhà nước.

Số tiền thuế trốn, gian lận theo quy định tại Điều này là số tiền thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật mà người nộp thuế bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện và xác định trong biên bản, kết luận kiểm tra, thanh tra.

7. Các hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g, h, i, k, Khoản 1 Điều này bị phát hiện trong thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế hoặc bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, nhưng không làm giảm số thuế phải nộp hoặc chưa được hoàn, không làm tăng số thuế miễn, giảm và không thuộc trường hợp bị xử phạt đối với hành vi trốn thuế thì bị xử phạt về hành vi vi phạm về thủ tục thuế theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 hoặc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán.

8. Trường hợp người nộp thuế đang thuộc diện được miễn thuế, được hoàn thuế theo quy định của pháp luật, kê khai không đúng căn cứ xác định số thuế được miễn, số thuế được hoàn nhưng không làm thiệt hại đến số thuế của ngân sách nhà nước thì không bị xử phạt đối với hành vi trốn thuế mà xử phạt về hành vi vi phạm về thủ tục thuế quy định ở Điều 8 Thông tư này với mức phạt cao nhất.

9. Trường hợp, người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, đã tự giác nộp đầy đủ số tiền thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế thì bị xử phạt về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế quy định Khoản 6, Điều 9 Thông tư này. Trường hợp, người nộp thuế đã nộp hồ sơ khai thuế nhưng khai sai, gian lận thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, gian lận, trốn thuế thì ngoài việc bị xử phạt về thủ tục thuế còn bị xử phạt về khai thiếu thuế hoặc trốn thuế theo quy định tại Điều 12, Điều 13 Thông tư này.

10. Trường hợp người nộp thuế nộp thuế theo phương pháp kê khai đang trong thời hạn hưởng ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp bị phát hiện có hành vi vi phạm như khai sai làm tăng khống chi phí để tăng số lỗ, để giảm lãi; giảm chi phí để tăng lãi và xác định không đúng các điều kiện để được hưởng miễn thuế thu nhập doanh nghiệp thì:

a) Nếu vi phạm được kiểm tra phát hiện ngay trong thời gian đang được ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp thì không xử phạt về hành vi trốn thuế mà thực hiện xử phạt vi phạm về thủ tục thuế hoặc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán;

b) Nếu vi phạm chưa được kiểm tra phát hiện mà cá nhân, tổ chức không tự điều chỉnh hậu quả làm giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp của năm tiếp sau khi hết thời hạn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp thì bị xử phạt về hành vi trốn thuế.

Do thông tin bạn cung cấp chưa thực sự đầy đủ và chi tiết nên chúng tôi không thể tính chính xác được mức nộp phạt đối với hành vi trốn thuế của doanh nghiệp bạn là bao nhiêu. Dưới đây là cách tính thuế TNDN mà DN phải nộp, bạn có thể tham khảo:

Theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC và Thông tư số 96/2014/TT-BTC hướng dẫn về cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

*Cách tính thuế TNDN đối với DN kê khai theo phương pháp khấu trừ:

Thuế TNDN phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất thuế TNDN

Nếu DN có trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ thì tính như sau:

Thuế TNDN phải nộp = (Thu nhập tính thuế - Phần trích lập quỹ KH&CN) x Thuế suất thuế TNDN

Trong đó: 

-Cách xác định Thu nhập tính thuế:

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế- ( Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển)

+Thu nhập chịu thuế = Doanh thu - Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác.

Doanh thu:

-Là toàn bộ tiền bán hàng, tiền cung cấp dịch vụ, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa;

-Là doanh thu chưa bao gồm thuế GTGT với các doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.

-Là doanh thu đã bao gồm thuế GTGT với các doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp.

Chi phí được trừ: Là các chi phí phát sinh liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các khaorn chi phí này phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ.

Các khoản thu nhập khác: Thu nhập khác là các khoản thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế mà khoản thu nhập này không thuộc các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh ghi trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Thu nhập khác bao gồm các khoản thu nhập sau:

-Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán.

-Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản

-Thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư; chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật.

-Thu nhập từ quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bao gồm cả tiền thu về bản quyền...

+Thu nhập được miễn thuế: 

-Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...

-Thu nhập từ việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp...

-Thu nhập từ thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học...

-Thu nhập từ hoạt động kinh doanh nhưng có lao động là người khuyết tật...

+Các khoản lỗ được kết chuyển:

Lãi hay lỗ đó là kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ ( kỳ ở đây có thể là quý năm) và để biết được kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh thì kế toán cần phải tính ra được thu nhập trong kỳ.

-Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp:

+Trước ngày 1/1/2016:

-Thuế suất 20% áp dụng cho những DN có tổng doanh thu của năm trước liền kế < 20 tỷ đồng.   

-Thuế suất 22% áp dụng cho những DN không thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 20%

+Từ ngày 1/1/2016 trở đi: Tất cả các DN đang áp dụng thuế suất 20 và 22% sẽ chuyển sang áp dụng mức thuế là 20%

*Cách tính thuế TNDN đối với DN kê khai theo phương pháp trực tiếp:

DN nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp. Đơn vị sự nghiệp, tổ chức không phải là DN

=>Nếu có thu nhập chịu thuế TNDN mà xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thì kê khai nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ, cụ thể như sau:

-Đối với dịch vụ (bao gồm cả lãi gửi, lãi tiền cho vay) : 5%

Riêng hoạt động giáo dục, y tế, biểu diễn nghệ thuật: 2%

-Đối với kinh doanh hàng hóa: 1%

-Đối với hoạt động khác: 2%

Trên cơ sở đó bạn có thể xác định được mức thuế mà doanh nghiệp bạn phải nộp, và căn cứ theo Thông tư số 166/2013/TT-BTC để xác định mức xử phạt đối với hành vi trốn thuế mà doanh nghiệp bạn sẽ phải nộp là bao nhiêu.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp: ( Tổng đài luật sư trực tuyến 1900.6169 )

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo