Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Giải thể công ty TNHH hai thành viên trở lên

Công ty tôi trong quá trình hoạt động có xảy ra mâu thuẫn, các thành viên quyết định giải thể công ty nhưng một thành viên của công ty không đồng ý, liên tục gây khó dễ. Để giải thể được công ty tôi phải giải quyết như thế nào?

 

Nội dung câu hỏi: Chào Luật sư! Em làm kế thuế ngoài giờ cho Công ty tnhh, do ông Đ  làm chủ tịch. Người phụ trách làm giám đốc công ty này là Ông T. Công ty e là loại hình công ty tnhh có 9 thành viên, trên danh nghĩa và theo giấy phép đăng ký kinh doanh thì ông H  chiếm 45% vốn, tổng cả vợ và 1 bà H  là 55%. 7 thành viên còn lại chiếm 45%. Nhưng thực tế là bà vợ ông H và bà  H  không góp 1 đồng nào cả, ông H  thì góp có 40 triệu trên tổng số vốn 270 triệu. Nội bộ xảy ra nhiều vấn đề, mà nguyên nhân là do vợ chồng Ông H , nên 7 người còn lại muốn rút vốn và yêu cầu ông H  nếu mua lại thì thanh toán tiền , còn không mua lại thì giải thể.

+ Bước 1: Triệu tập 1 cuộc họp Ông H  đồng ý mua và yêu cầu Ông T ký 1 cam kết là sẽ thôi không giữ chức giám đốc nữa nhưng lại thêm khoản ông T chỉ thôi khi Ông H thanh toán đủ vốn cho mọi người là 240 triệu.

+ Ông H  lật lọng , không mua nữa và quay sang nói với mọi người còn lại Ông T đã ký biên bản từ chức, không có quyền ở công ty. Nhưng thực tế chưa thủ tục thay đổi ở sở kế hoạch và ông H  đã lật lọng

+ Bước 3: Ông H bôi nhọ danh dự ông T là lừa đảo, đến cả gia đình ông T gặp bố mẹ tố cáo con nhà người ta lừa đảo, làm gia đình lục đục. Con dấu của công ty 7 thành viên nhất trí không để ở văn phòng vì sợ ông H  lấy mất, ông H vin cớ này nói ông T: Cầm con dấu bỏ trốn

+ Bước 4: Lại họp bàn giải thể, ông H  trốn không đến, có vợ đến, và bà H...qua quá trình đi đến thống nhất giải thể cũng được nhưng phải làm rõ tài chính... Sau đó lại lật lòng, không bàn giao vì lý do có bài báo tố cáo vợ chồng nhà này lừa đảo

+ Bước 5: Ông H  liên tục đòi nợ ông T tiền lương, và tố cáo tất cả tài sản là của vợ chồng nhà ông bà đó, sau đó yêu cầu làm rõ vấn đề tài chính từng thời giám đốc, và giai đoạn giám đốc nào thì người đó chịu trách nhiệm ( ông H đảm nhận 1 thơi gian) đến khi làm rõ H quản lý lỗ mấy trăm triệu....lúc đó lại trốn, và quay ngoắt 180 độ. Và buổi cuối họp, ủy quyền cho luật sư họp, hẹn mọi người họp nhưng ông H không đến và Bà D là vợ tranh thủ được mở cửa nhanh chóng lấy đồ đạc ra ngoài để chuyển về nhà, có hành vi lấy cả máy in công ty và bị mọi người trong công ty nói không được lấy thì văng tục chửi bậy, bà Luật sư yêu cầu giấy ủy quyền thì không có (và mọi người nhận định, cố ý mời họp để lấy đồ về, vì có họp thì mới mở được cửa phòng mà lấy đồ)

+ Bước 6: Lên công an tố cáo ông Ninh trộm cắp tiền của công ty, công an vào cuộc thì thấy ông T không làm gì cả. Mọi người dùng mọi cách để hòa bình nhưng không ăn thua  Luật sư cho em hỏi: Bên em nghĩ bây giờ phải ra tòa. Vì các thành viên còn lại muốn giải thể và chấm dứt công ty  nhưng ông H không hợp tác và hiện giờ chiếm 55% vốn Thưa luật sư trong tình huống này thì bên em cần làm gì để chấm dứt việc ạ! Em cảm ơn luật sự ạ!

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Minh Gia, với vấn đề của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo như thông tin mà bạn cung cấp, trên giấy phép kinh doanh ông H góp 45% vốn, vợ ông H và bà H có góp 10% vốn tuy nhiên trên thực tế lại không góp, nếu vợ ông H và bà H đã không góp trong thời gian quá 90 ngày thì đương nhiên hai người không còn là thành viên của công ty, ông H nếu không góp số vốn còn lại  thì sẽ có quyền tương ứng với số vốn ông H đã góp. Khoản 2, Khoản 3 Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định như sau:

 

2. Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thành viên công ty chỉ được góp vốn phần vốn góp cho công ty bằng các tài sản khác với loại tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của đa số thành viên còn lại. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết góp.

 

3. Sau thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà vẫn có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết thì được xử lý như sau:

 

a) Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;

 

b) Thành viên chưa góp vốn đủ phần vốn góp như đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;

 

c) Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo quyết định của Hội đồng thành viên.

 

Sau đó, công ty bạn phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỉ lệ phần vốn góp của các thành viên theo quy định tại Khoản 4 Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014: “Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp theo khoản 2 Điều này. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên.” Khi công ty bạn đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ thì tỉ lệ phần vốn góp của ông H sẽ giảm xuống, ông H sẽ không còn là thành viên có phần vốn góp cao nhất trong công ty nữa.

 

Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về điều kiện giải thể doanh nghiệp như sau:

 

1. Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau đây:

 

a) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

 

b) Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;

 

c) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;

 

d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

 

2. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.

 

Khoản 2 Điều 58 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của Hội đồng thành viên như sau: m) Quyết định giải thể hoặc yêu cầu phá sản công ty”.

 

Như vậy, nếu công ty bạn muốn giải thể thì phải dựa trên quyết định của Hội đồng thành viên hoặc của chủ sở hữu công ty.

 

Quyết định về giải thể công ty được thông qua theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 60 Luật Doanh nghiệp 2014:

 

Điều 60. Nghị quyết của Hội đồng thành viên

...

3. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, nghị quyết của Hội đồng thành viên được thông qua tại cuộc họp trong các trường hợp sau đây:

 

a) Được số phiếu đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;”

 

Như vậy, trong trường hợp này, sau khi đã đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỉ lệ phần vốn góp của ông H đã bị thay đổi, công ty bạn tiến hành triệu tập Hội đồng thành viên quyết định về vấn đề giải thể công ty, quyết định này phải được 65% tổng số vốn góp của các thành viên thông qua trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Nguyễn Nhàn - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo