Luật gia Nguyễn Nhung

Giải quyết tranh chấp về tài sản với hộ kinh doanh

Thưa luật sư. Cho tôi hỏi trong trường hợp hộ kinh doanh buôn bán mặt hàng nông sản có nhận ký gửi cà phê. Có 61 người dân gửi cà phê tại đây và được viết giấy biên nhận.


Hộ kinh doanh có nói đợi giá cả lên sẽ bán cà phê và thanh toán tiền cho dân. Nhưng sau đó hộ kd này tuyên bố không có khả năng trả nợ, với lý do đoán sai xu hướng của thị trường nên đã mua cao, bán thấp rơi vào tình trạng thua lỗ, không có khả năng thanh toán. Số tiền lên đến hơn 7 tỷ đồng. Trong khi đó nhà xưởng của hộ kinh doanh này đều là thuê mượn, tài sản đã tẩu tán hết. Theo luật sư trong trường hợp này chúng tôi phải kiện theo hình thức nào để có thể lấy lại được tiền.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo những thông tin mà bạn cung cấp, hoạt động của 61 người dân gửi cà phê cho hộ kinh doanh trên là hoạt động thương mại dưới hình thức ủy thác mua bán hàng hóa. 

Căn cứ theo Luật Thương mại năm 2005, hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa phải được thể hiện trong hợp đồng ủy thác và phải được lập thành văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương (trong đó các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương được quy định tại Khoản 15 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005). Theo thông tin bạn cung cấp, nếu giấy biên nhận trên có đầy đủ các thông tin về hoạt động trao đổi hàng hóa (cà phê) và nghĩa vụ của các bên giữa hộ kinh doanh và người dân thì giấy biên nhận này sẽ có giá trị pháp lý, nó sẽ là căn cứ pháp lý để bạn khởi kiện hộ kinh doanh.

Căn cứ theo Điều 165 Luật Thương mại năm 2005 quy định về nghĩa vụ của bên nhận ủy thác:

“Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên nhận uỷ thác có các nghĩa vụ sau đây:

1. Thực hiện mua bán hàng hoá theo thỏa thuận;

2. Thông báo cho bên uỷ thác về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;

3. Thực hiện các chỉ dẫn của bên uỷ thác phù hợp với thoả thuận;

4. Bảo quản tài sản, tài liệu được giao để thực hiện hợp đồng uỷ thác;

5. Giữ bí mật về những thông tin có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;

6. Giao tiền, giao hàng theo đúng thoả thuận;

7. Liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của bên ủy thác, nếu nguyên nhân của hành vi vi phạm pháp luật đó có một phần do lỗi của mình gây ra”.

Về việc bạn muốn khởi kiện để đòi lấy lại tài sản: Theo Khoản 3 Điều 317 Luật Thương mại năm 2005 quy định về hình thức giải quyết tranh chấp thương mại: 

“Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án. Thủ tục giải quyết tranh chấp trong thương mại tại Trọng tài, Toà án được tiến hành theo các thủ tục tố tụng của Trọng tài, Toà án do pháp luật quy định”.  Do đó, bạn có thể nộp đơn khởi kiện tại Trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại hoặc Tòa án nhân dân địa phương. 

Và thời hiệu khởi kiện theo Điều 319 Luật Thương mại năm 2005: “Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 237 của Luật này”.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Giải quyết tranh chấp về tài sản với hộ kinh doanh . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

C.V: Phùng Thị Bảo Nhung – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo