Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Giải quyết tranh chấp hợp đồng, cam kết góp vốn và phá sản tại doanh nghiệp

Thưa luật sư, Công ty trách nhiệm hữu hạn A có gửi cho công ty cổ phần X một đề nghị giao kết hợp đồng có giá trị đến ngày 30/1. Ngày 26/1, công ty cổ phần X trả lời chấp thuận đề nghị nhưng yêu cầu được trả bằng Việt Nam đồng (thay vì trả bằng USD như trong đề nghị) và yêu cầu được giảm giá mua vì số lượng lớn.

  

Đến ngày 30/1, công ty cổ phần X lại chấp nhận nguyên vẹn lời đề nghị lúc ban đầu của công ty trách nhiệm hữu hạn A. Nhưng trong khoảng thời gian từ 28/1 đến 29/1, công ty trách nhiệm hữu hạn A đã bán lô hàng trên cho khách hàng khác. Tranh chấp giữa công ty trách nhiệm hữu hạn A và công ty cổ phần X đã xảy ra. Hỏi: a) Vậy công ty trách nhiệm hữu hạn A có phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình không? b) Hợp đồng đã được thiếp lập chưa? Tại sao?

TÌNH HUỐNG 2: Công ty trách nhiệm hữu hạn A có thành viên là ông A  (A), Công ty cổ phần B (B) và ông C (C) thỏa thuận góp vốn để thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn X như sau: A góp bằng 1 căn nhà (được định giá 500 triệu, là tài sản đã góp vốn của thành viên và công ty A), B góp 30.000 cổ phiếu của mình và C góp 200 triệu. Hỏi: a) Dự định góp vốn của các thành viên như vậy liệu có thực hiện được không?b) Do sự biến động trên thị trường bất động sản nên gía trị thực tế của căn nhà mà A góp vốn đã lên đến 1 tỷ đồng. Với lý do trước đây không có tiền mặt để góp vốn nên phải góp bằng căn nhà. A yêu cầu thay đổi tài sản góp vốn và thay thế bằng 500 triệu đồng tiền mặt. B và C không đồng ý. Trường hợp này yêu cầu của công ty A có thực hiện được không? Tại sao? c) B muốn thu hồi vốn nên đã chào bán phần vốn góp của mình cho 2 thành viên còn lại vào ngày 1/9/2012. Ngày 15/9/2012, A mua và thanh toán xong phần vốn được quyền mua tương ứng theo tỷ lệ góp vốn của mình trong công ty. C không thể mua vì không có tiền.Ngày 5/10/2012 B chuyển nhượng hết phần vốn còn lại cho bà Loan. Hỏi việc chuyển nhượng vốn của B như vậy có đúng qui định không? Vì sao?  

TÌNH HUỐNG 3:Công ty trách nhiệm hữu hạn XYZ thành lập vào tháng 9 năm 2000, có vốn điều lệ 20 tỷ đồng với X góp vốn 10 tỷ đồng, Y góp vốn 5 tỷ đồng và Z góp vốn 5 tỷ đồng. Tháng 10 năm 2009, công ty bị chủ nợ nộp đơn ra Tòa Kinh Tế  Tòa án nhân dấn Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu giải quyết phá sản với tình trạng nợ như sau: -Nợ tiền điện: 50 triệu đồng-Nợ tiền nước: 10 triệu đồng-Tiền lương của 300 công nhân, mỗi công nhân bình quân 3 triệu đồng-Lệ phí cho việc giải quyết phá sản: 1.540.000.000 đồng-Nợ chủ nợ B 5 tỷ đồng có thế  chấp 3 tỷ đồng -Nợ chủ nợ C 400 triệu không thế chấp-Nợ chủ nợ D 2 tỷ đồng, không thế chấp. Biết rằng tổng tài sản còn lại sau khi bị Tòa án nêm phong và định giá là 10 tỷ đồngYêu cầu:a.  Hãy xác định điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ trong vụ phá sản trên .b.  Giả sử Hội nghị chủ nợ không thành. Hãy phân chia tài sản trong vụ phá sản trên sau khi doanh nghiệp có quyết định thanh lý tài sản.

 

Trả lời:

 

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Về vấn đề mà bạn thắc mắc, chúng tôi xin tư vấn như sau:

1. Tình huống 1:

Điều 390, Bộ luật dân sự 2005 quy định về Đề nghị giao kết hợp đồng như sau:  

"1. Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể.

2. Trong trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh."

Theo dữ liệu bạn cung cấp thì Công ty trách nhiệm hữu hạn A gửi cho công ty cổ phần X một đề nghị giao kết hợp đồng có giá trị đến ngày 30/1, tức đề nghị giao kết nêu rõ thời hạn trả lời nên căn cứ Khoản 2 Điều 390 Bộ luật dân sự 2005 thì trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời Công ty A không được giao kết hợp đồng với người thứ ba.

Nhưng đến ngày 26/1, công ty cổ phần X trả lời chấp thuận đề nghị nhưng yêu cầu được trả bằng Việt Nam đồng (thay vì trả bằng USD như trong đề nghị) và yêu cầu được giảm giá mua vì số lượng lớn, hay nói cách khác, công ty X chấp nhận giao kết hợp đồng kèm theo điều kiện. Căn cứ Điều 395 Bộ luật dân sự 2005 thì "Khi bên được đề nghị đã chấp nhận giao kết hợp đồng, nhưng có nêu điều kiện hoặc sửa đổi đề nghị thì coi như người này đã đưa ra đề nghị mới." Như vậy, khi công ty X gửi trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng nhưng có điều kiện thì coi như Công ty X đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng đối với Công ty A. Khi đó, công ty A là bên có quyền trả lời chấp nhận hoặc không chấp nhận giao kết hợp đồng với Công ty X. Bộ luật dân sự không quy định trách nhiệm bắt buộc phải trả lời đề nghị giao kết cũng như trách nhiệm hay chế tài gì đối với hành vi này. Do đó,  Căn cứ Khoản 1 Điều 394 Bộ luật dân sự 2005 thì: 

"Điều 394. Chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng  

Đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Bên nhận được đề nghị trả lời không chấp nhận;

2. Hết thời hạn trả lời chấp nhận;

3. Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực;

4. Khi thông báo về việc huỷ bỏ đề nghị có hiệu lực;

5. Theo thoả thuận của bên đề nghị và bên nhận được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời."

thì giao kết giữa Công ty A và công ty X chấm dứt và Công ty A không phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình.  Và cũng chính vì lý do này, trả lời chấp nhận toàn bộ lời đề nghị giao kết mà công ty A gửi đến của công ty X ngày 30/1 là không được chấp nhận vì đề nghị giao kết của công ty A đã chấm dứt trước đó. Do vậy, Hợp đồng công ty X và Công ty A chưa được thiết lập do công ty A không chấp nhận đề nghị giao kết mới của Công ty X.

2. Tình huống 2:

a) Dự định góp vốn của các thành viên như vậy liệu có thực hiện được không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 35 Luật doanh nghiệp 2014 thì: Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn.

Mà theo dữ liệu bạn cung cấp thì việc dự định góp vốn trên là hoàn toàn hợp pháp và có thể thực hiện được.

b) Do sự biến động trên thị trường bất động sản nên gía trị thực tế của căn nhà mà A góp vốn đã lên đến 1 tỷ đồng. Với lý do trước đây không có tiền mặt để góp vốn nên phải góp bằng căn nhà. A yêu cầu thay đổi tài sản góp vốn và thay thế bằng 500 triệu đồng tiền mặt. B và C không đồng ý. Trường hợp này yêu cầu của công ty A có thực hiện được không? Tại sao?

Căn cứ Khoản 2 Điều 48 Luật doanh nghiệp 2014 thì "Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thành viên công ty chỉ được góp vốn phần vốn góp cho công ty bằng các tài sản khác với loại tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của đa số thành viên còn lại." Do vậy, ở đây A yêu cầu thay đổi tài sản góp vốn mà không được B,C đồng ý nên A phải góp vốn bằng căn nhà như đã cam kết.

c) B muốn thu hồi vốn nên đã chào bán phần vốn góp của mình cho 2 thành viên còn lại vào ngày 1/9/2012. Ngày 15/9/2012, A mua và thanh toán xong phần vốn được quyền mua tương ứng theo tỷ lệ góp vốn của mình trong công ty. C không thể mua vì không có tiền. Ngày 5/10/2012 B chuyển nhượng hết phần vốn còn lại cho bà Loan. Hỏi việc chuyển nhượng vốn của B như vậy có đúng qui định không? Vì sao? 

Theo quy định tại Điều 53 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về chuyển nhượng phần vốn góp thì:
"1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 52, khoản 5 và khoản 6 Điều 54 của Luật này, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây:
a) Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện;
b) Chỉ được chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại quy định tại điểm a khoản này cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán.

2. Thành viên chuyển nhượng vẫn có các quyền và nghĩa vụ đối với công ty tương ứng với phần vốn góp có liên quan cho đến khi thông tin về người mua quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 49 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên.
3. Trường hợp chuyển nhượng hoặc thay đổi phần vốn góp của các thành viên dẫn đến chỉ còn một thành viên trong công ty, công ty phải tổ chức hoạt động theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và đồng thời thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc chuyển nhượng."

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì B đã chào bán phần vốn góp của mình cho các thành viên theo tỉ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện và B chỉ chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đố với các thành viên còn lại cho bà Loan - người không phải là thành viên công ty sau khi A và C mua không hết trong thời hạn từ khi chào bán phần vốn góp của mình đến khi chuyển nhượng hết phần vốn còn lại cho bà Loan là 35 ngày. Như vậy, việc chuyển nhượng của B như vậy là đúng quy định của pháp luật.

3. Tình huống 3:

a) Hãy xác định điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ trong vụ phá sản trên?

Căn cứ Điều 79 Luật phá sản 2014 thì Điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ như sau:
- Có số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không có bảo đảm.
Chủ nợ không tham gia Hội nghị chủ nợ nhưng có ý kiến bằng văn bản gửi cho Thẩm phán trước ngày tổ chức Hội nghị chủ nợ, trong đó ghi rõ ý kiến về những nội dung như: Đề nghị đình chỉ giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 86 của Luật phá sản, đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp; Đề nghị tuyên bố phá sản doanh nghiệp thì được coi như chủ nợ tham gia Hội nghị chủ nợ.

- Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được phân công giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tham gia Hội nghị chủ nợ.

b) Hãy phân chia tài sản trong vụ phá sản trên sau khi doanh nghiệp có quyết định thanh lý tài sản.

Điều 54 Luật Phá sản 2014 quy định về Thứ tự phân chia tài sản như sau:

1 . Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp được phân chia theo thứ tự sau:
- Chi phí phá sản;
- Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đã ký kết;
- Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
- Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

2. Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp sau khi đã thanh toán đủ các khoản quy định nêu trên mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về thành viên của công ty.
3. Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định tại mục1 nêu trên thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

Căn cứ quy định trên, trong trường hợp này, thứ tự phân chia tài sản sau khi doanh nghiệp có quyết định thanh lý tài sản là:

1. Lệ phí cho việc giải quyết phá sản: 1.540.000.000 đồng 

2. Lương của 300 công nhân, mỗi công nhân bình quân 3 triệu đồng. 

3. Nợ tiền điện 50 triệu, nợ tiền nước 10 triệu, nợ chủ nợ C: 400 triệu (không thế chấp), nợ chủ nợ D 2 tỷ đồng (không thế chấp); Nợ chủ nợ B 5 tỷ đồng có thế chấp 3 tỷ đồng.

Số tiền còn lại sau khi đã thanh toán các khoản nợ trên là  sẽ thuộc về các thành viên X, Y và Z.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Giải quyết tranh chấp hợp đồng, cam kết góp vốn và phá sản tại doanh nghiệp. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo