Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Giải đáp thắc mắc về Luật thương mại quốc tế

Thưa luật sư! tôi có một số thắc mắc về Luật thương mại quốc tế, mong luật sư giải đáp giúp: 1) Theo công ước Hamburg 1978 qui định trong trường hợp có tranh chấp về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển mà các bên không thể tự giải quyết được bằng biện pháp thương lượng hòa giải thì 1 trong các bên có quyền nộp đơn khởi kiện ra tòa án công lý quốc tế có đúng như vậy không? Tại sao?

 

2) Công ty A ở Pháp (bên bán), công ty B ở VN (bên mua) 2 bên thỏa thuận kí hợp đồng mua bán hàng hóa với nhau bằng Tiếng Anh. Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Luật áp dụng là luật nước Pháp. Bên A có nghĩa vụ soạn thảo hợp đồng. Trong quá trình soạn thảo bên B đã gửi cho bên A một hợp đồng mẫu mà trước đó bên B đã kí với đối tác nước ngoài khác với đề nghi bên A soạn thảo hợp đồng mới tương tự sau khi hợp đồng được soạn thảo xong và được kí kết. Bên B thực hiện hợp đồng bằng việc mở L/C để thanh tóan tiền hàng. Tuy nhiên bên A nhận được thông báo L/C có những nội dung không phù hợp với hợp đồng. Do đó yêu cầu bên B phải tu chỉnh phù hợp và bên B đã không thực hiện được. Do bên B không thực hiện thanh tóan nên A khởi kiên ra tổ chức trọng tài có thẩm quyền, trong bản giản trình gởi trọng tài bên B cho rằng: việc bên A soạn thảo hợp đồng không đúng với hợp đồng mẫu bên B đã không nắm rõ Tiếng Anh nên thực hiện hợp đồng theo như nội dung hợp đồng mẫu. Vì vậy lỗi của A nên B không chịu trách nhiệm. Cho tôi tham vấn ý kiến luật sư về ý kiến của B trong vấn đề này? Tôi xin chân thành cảm ơn!

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục Tư vấn Luật Doanh nghiệp của công ty Luật Minh Khuê:

Trả lời: Chào bạn,cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Gia. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

 

1. Theo công ước Hamburg 1978 qui định trong trường hợp có tranh chấp về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển mà các bên không thể tự giải quyết được bằng biện pháp thương lượng hòa giải thì 1 trong các bên có quyền nộp đơn khởi kiện ra tòa án công lý quốc tế có đúng như vậy không? Tại sao?

Về nguyên tắc khi xảy ra tranh chấp về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển mà các bên không thể tự giải quyết được bằng biện pháp thương lượng, hòa giải thì một trong các bên có quyền nộp đơn khởi kiện ra Tòa án, tuy nhiên không phải là Tòa án công lý quốc tế bạn nhé. Căn cứ vào quy định tại khoản 1, 2, 3 và 5 , điều 21 của Công ước Hamburg 1978 thì khi một trong các bên nộp đơn khởi kiện ra Tòa án thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là một trong những Tòa án được quy định sau đây:

Điều 21. Thẩm quyền xét xử

1. Trong những vụ kiện liên quan đến chuyên chở hàng hóa theo Công ước này, bên nguyên có thể theo sự lựa chọn của mình, phát đơn kiện tại một Tòa án mà luật pháp của nước đó có Tòa án này công nhận là có thẩm quyền và trong phạm vi quyền hạn xét xử của Tòa án đó có một trong các địa điểm sau:

a. Nơi kinh doanh của bên bị hoặc nơi cư trú thường xuyên của bên bị, nếu bên bị không có trụ sở kinh doanh chính, hoặc

b. Nơi ký kết hợp đồng với điều kiện là tại đó bên bị có trụ sở kinh doanh, chi nhánh hoặc đại lý qua đó hợp đồng được ký kết, hoặc

c. Cảng xếp hàng hoặc cảng dỡ hàng, hoặc

d. Bất kỳ một địa điểm bổ sung nào được hợp đồng vận tải đường biển quy định cho mục đích trên.

2. a. Mặc dù có những quy định nêu trên của Điều này, vẫn có thể đi kiện tại những Tòa án ở bất kỳ một cảng hoặc một nơi nào thuộc một nước tham gia Công ước mà tại đó tàu chở hàng hoặc một tàu nào khác của cùng một chủ tàu đã bị bắt giữ theo các quy tắc được áp dụng của luật nước đó và của luật quốc tế. Tuy nhiên, trong trường hợp ấy, theo yêu cầu của bên bị, bên nguyên phải chuyển vụ kiện tùy theo sự lựa chọn của mình đến một trong những nơi có thẩm quyền xét xử quy định trong mục 1 Điều này để giải quyết, nhưng trước đó bên bị phải nộp một khoản tiền bảo đảm đủ để trả mọi khoản tiền mà sau đó Tòa án có thể xử cho bên nguyên được hưởng.

b. Tòa án tại cảng hoặc tại nơi tiến hành bắt giữ sẽ quyết định khoản tiền bảo đảm này có đủ hay đến mức nào mới đủ.

3. Không một vụ kiện nào liên quan đến chuyên chở hàng hóa theo Công ước này có thể được tiến hành tại một nơi không được quy định trong mục 1 hoặc 2 của Điều này. Những quy định trong mục này không gây cản trở gì đối với thẩm quyền của các Tòa án của các nước tham gia Công ước về những biện pháp tạm thời hoặc những biện pháp bảo vệ.

5. Mặc dù có những quy định ở các mục trên đây, sau khi có tranh chấp phát sinh từ hợp đồng chuyên chở bằng đường biển, sự thỏa thuận giữa các bên về chỉ định địa điểm mà bên khiếu nại đưa đơn kiện sẽ có hiệu lực.

Theo quy định này thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ là Tòa án thuộc một trong những trường hợp được nêu trên, còn Tòa án công lý quốc tế có vai trò giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia thành viên với nhau như tranh chấp về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế giữa các quốc gia với nhau ... Còn trong vụ việc của bạn là hợp đồng vận chuyển hàng hóa, tức là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nên không thuộc thẩm quyền của Tòa án công lý quốc tế bạn nhé. Ngoài ra, trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa nếu các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại trọng tài thì khi có tranh chấp phát sinh các bên sẽ phải thực hiện giải quyết tranh chấp tại trọng tài.

2) Công ty A ở Pháp (bên bán), công ty B ở VN (bên mua) 2 bên thỏa thuận kí hợp đồng mua bán hàng hóa với nhau bằng Tiếng Anh. Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Luật áp dụng là luật nước Pháp. Bên A có nghĩa vụ soạn thảo hợp đồng. Trong quá trình soạn thảo bên B đã gửi cho bên A một hợp đồng mẫu mà trước đó bên B đã kí với đối tác nước ngoài khác với đề nghị bên A soạn thảo hợp đồng mới tương tự sau khi hợp đồng được soạn thảo xong và được kí kết. Bên B thực hiện hợp đồng bằng việc mở L/C để thanh tóan tiền hàng. Tuy nhiên bên A nhận được thông báo L/C có những nội dung không phù hợp với hợp đồng. Do đó yêu cầu bên B phải tu chỉnh phù hợp và bên B đã không thực hiện được. Do bên B không thực hiện thanh tóan nên A khởi kiên ra tổ chức trọng tài có thẩm quyền, trong bản giải trình gửi trọng tài bên B cho rằng: việc bên A soạn thảo hợp đồng không đúng với hợp đồng mẫu, bên B đã không nắm rõ Tiếng Anh nên thực hiện hợp đồng theo như nội dung hợp đồng mẫu. Vì vậy lỗi của A nên B không chịu trách nhiệm. Cho tôi tham vấn ý kiến luật sư về ý kiến của B trong vấn đề này?

Quan hệ giữa Công ty A với Công ty B là quan hệ mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài nên theo quy định tại đoạn 2, khoản 3, điều 759 của Bộ luật dân sự 2005

Điều 759. Áp dụng pháp luật dân sự Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán quốc tế

3. Trong trường hợp Bộ luật này, các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật của nước đó được áp dụng, nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trường hợp pháp luật nước đó dẫn chiếu trở lại pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì áp dụng pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Pháp luật nước ngoài cũng được áp dụng trong trường hợp các bên có thoả thuận trong hợp đồng, nếu sự thoả thuận đó không trái với quy định của Bộ luật này và các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong vụ việc bạn có nêu, các bên thỏa thuận luật áp dụng là luật nước Pháp, bên cạnh đó đối tượng của giao dịch dân sự này là hàng hóa nên việc thỏa thuận luật áp dụng là luật nước Pháp không hề trái với quy định của Bộ luật dân sự này và những văn bản có liên quan nên luật để giải quyết. Nên để xác định được nội dung bản giải trình gửi trọng tài của bên công ty có phù hợp không thì cần phải đối chiếu quy định của pháp luật nước Pháp. Bên cạnh đó, trong nội dung của bản giải trình có nêu " bên A soạn thảo hợp đồng không đúng với hợp đồng mẫu bên B đã không nắm rõ Tiếng Anh nên thực hiện hợp đồng theo như nội dung hợp đồng mẫu" mà hợp đồng mẫu lại là hợp đồng "mà trước đó bên B đã kí với đối tác nước ngoài khác". Hợp đồng mẫu và hợp đồng mua bán hàng hóa giữa công ty A và công ty B là hoàn toàn khác nhau về phương thức thanh toán, giá cả, rủi ro, quyền và nghĩa vụ của các bên, do đó việc công ty B thực hiện theo nội dung hợp đồng mẫu là không phù hợp.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Giải đáp thắc mắc về Luật thương mại quốc tế. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo