Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Doanh nghiệp tư nhân và Cty trách nhiệm hữu hạn

Thưa luật sư! Tôi đang chuẩn bị mở cơ sở cho thuê trang phục biểu diễn và tổ chức các chương trình sự kiện, ban đầu tôi dự định làm theo sự thỏa thuận đặt hàng của các đơn vị có yêu cầu.

Nhưng gần đây các đơn vị thường yêu cầu xuất hóa đơn, do đó tôi phải đi mua hóa đơn bên ngoài từ 10%, hướng tới tôi dự định đăng ký giấy phép để có tư cách pháp nhân xuất hóa đơn luôn. Vậy tôi muốn nhờ anh chị tư vấn giúp tôi nên chọn hình thức doanh nghiệp Tư nhân hay Cty TNHH và đóng thuế gồm những khoảng nào? Thủ tục như thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời:

 

Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Gia. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Thứ nhất: đối với vấn đề nên chọn loại hình doanh nghiệp là doanh nghiệp tư nhân hay công ty TNHH ta xem xét ưu nhược điểm của từng loại hình doanh nghiệp  như sau: 

 Với Doanh nghiệp tư nhân

Ưu điểm:

- Thủ tục thành lập công ty đơn giản.
- Chủ doanh nghiệp có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Tự do sử dụng lợi nhuận sau khi hoàn thành nghĩa vụ với các loại thuế.
- Chủ doanh nghiệp đóng thuế thu nhập cá nhân ngay trên thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn về mọi hoạt động kinh doanh nên có thể dễ dàng hơn trong việc lấy lòng tin từ khách hàng và đối tác.
Nhược điểm:
- Chủ doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trước pháp luật dù đang cho thuê doanh nghiệp hoặc thuê người làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp.
- Do phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng cả tài sản của mình nên dù doanh nghiệp phá sản thì chủ doanh nghiệp vẫn phải trả các khoản nợ bằng toàn bộ tài sản cá nhân của mình.

Với công ty TNHH. Trường hợp này nếu chỉ mình cá nhân bạn muốn thành lập doanh nghiệp dưới hình thức công ty TNHH thì bạn chỉ được thành lập Công ty TNHH một thành viên bởi đối với loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên thì bạn cần kết hợp với cá nhân, tổ chức khác thì mới đủ điều kiện về thành viên để thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Do đó, ở đây chỉ xét tới ưu, nhược điểm của công ty TNHH 1 thành viên.

Ưu điểm:
-  chủ sở hữu chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
- Có tư cách pháp nhân.
- Chịu trách nhiệm hữu hạn về tài sản (chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đưa vào kinh doanh).
Nhược điểm:
- Khó khăn trong việc huy động vốn. Công ty TNHH một thành viên khi muốn tăng hoặc giảm vốn điều lệ bằng cách chuyển nhượng vốn góp cho người khác hoặc tiếp nhận phần vốn của thành viên mới thì phải chuyển đổi sang công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên.
- Công ty TNHH không được phát hành cổ phiếu.

  Từ việc xem xét và so sánh về ưu, nhược điểm của hai loại hình doanh nghiệp trên thì đối với trường hợp của bạn nên lựa chọn kinh doanh dưới hình thức doanhn nghiệp tư nhân.

Thứ hai: Các khoản thuế phải đóng

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư số 78/2014 thì doanh nghiệp tư nhân phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân: 

"Điều 2. Người nộp thuế

1. Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm:

a) Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán, Luật Dầu khí, Luật Thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật khác dưới các hình thức: Công ty cổ phần; Công ty trách nhiệm hữu hạn; Công ty hợp danh; Doanh nghiệp tư nhân; Văn phòng Luật sư, Văn phòng công chứng tư; Các bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh; Các bên trong hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, Xí nghiệp liên doanh dầu khí, Công ty điều hành chung."

Thứ ba: Thủ tục thành lập doanh nghiệp

Việc thành lập doanh nghiệp tư nhân được tiến hành theo thủ tục sau:

Về hồ sơ: 

-  Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

-  Bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp của chủ doanh nghiệp tư nhân quy định tại Điều 24 Nghị định này.

-  Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định;

-  Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số cá nhân theo quy định đối với doanh nghiệp tư nhân kinh doanh các ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.

Về trình tự, thủ tục: 

 Bước 1: Nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh

Bước 2: Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp.

Bước 3: Căn cứ theo ngày hẹn trên giấy Biên nhận, doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh để nhận kết quả giải quyết hồ sơ hoặc đăng ký nhận kết quả tại địa chỉ thông qua doanh nghiệp trả kết quả qua Bưu điện.

 

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp: ( Tổng đài luật sư trực tuyến 1900.6169 )
 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo