Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Doanh nghiệp hoạt động không treo biển hiệu bị xử lý thế nào?

Thưa Luật sư: Ông A là quản lý cho Công ty TNHH MTV. Công ty mới thành lập nên khi hoạt động đã có đầy đủ giấy tờ nhưng chưa kịp treo bảng hiệu tên Công ty lên thì Đội trưởng Đội quản lý thị trường quận xuống kiểm tra và lập biên bản XPHC.

Khi kiểm tra, Đội phó đội quản lý thị trường chỉ đưa thẻ của tổ kiểm tra mà không có quyết định kiểm tra, sau khi phát hiện việc chưa treo bảng hiệu mới làm quyết định kiểm tra và làm biên bản kiểm tra ngay tại công ty. Họ nói A phải ký vào biên bản kiểm tra nhưng A nói A chỉ là nhân viên không phải giám đốc nên không có trách nhiệm ký, để giám đốc về xử lý. Tuy nhiên, họ vẫn lập biên bản kiểm tra kêu chị B bên UBND quận xuống làm chứng và không ghi ý kiến của A vào Biên bản kiểm tra. Sau đó 3 ngày họ gửi quyết định XPHC với lỗi "hoạt động không treo bảng hiệu" theo Điểm Đ Khoản 2 Điều 66 và Khoản 2 Điều 3 NĐ 158/2013 với mức phạt 25.000.000đ. Vậy cho mình hỏi: 1. Việc lập quyết định kiểm tra và không ghi nhận ý kiến của Avào Biên bản kiểm tra có đúng không ạ? 2. Số tiền phạt vậy có đúng quy định pháp luật không ạ?

Xin cảm ơn!

 

Trả lời:

 

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Gia. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Theo Luật xử lý vi phạm hành chính  năm 2012 quy định:

Điều 58. Lập biên bản vi phạm hành chính

1. Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này.

Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì việc lập biên bản vi phạm hành chính được tiến hành ngay khi xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm.

Vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa thì người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm tổ chức lập biên bản và chuyển ngay cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga.

2. Biên bản vi phạm hành chính phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; hành vi vi phạm; biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý; tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ; lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ; quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của người vi phạm hoặc đại diện của tổ chức vi phạm; cơ quan tiếp nhận giải trình.

Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến.

3. Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký; trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì họ cùng phải ký vào biên bản; trường hợp biên bản gồm nhiều tờ, thì những người được quy định tại khoản này phải ký vào từng tờ biên bản. Nếu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản; trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản phải được chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt.

Trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính thì biên bản còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó.

Như vậy, theo thông tin cung cấp, A là người quản lý làm việc cho công ty trách nhiệm hữu hạn, không phải là người đại diện cho công ty đó. Do đó, theo quy định tại Điều 58 thì trong biên bản có ghi rõ họ tên, địa chỉ và lời khai. Tức phải có lời khai của A nói cách khác chính là ý kiến của A. Trong trường hợp này, cơ quan lập biên bản đã không thực hiện việc có  ghi ý kiến của A (lời khai). Do đó, đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định:

Điều 3. Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền
1. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch là 50.000.000 đồng, trong lĩnh vực quảng cáo là 100.000.000 đồng.
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại Điều 4; Khoản 5 Điều 6; Điều 8; Điều 10; Điểm b Khoản 1, Điểm a Khoản 3, các điểm a, b và c Khoản 5, các khoản 6, 7 và 8 Điều 13; các khoản 1, 2, 3, 4, 6 và 7 Điều 14; Điểm b Khoản 2 Điều 15; Điểm a Khoản 1, Điểm b Khoản 3 Điều 17; Điểm c Khoản 3 Điều 23; Khoản 1 và các điểm a, b và c Khoản 2 Điều 24; Khoản 2 và Khoản 4 Điều 27; Điểm b Khoản 1 Điều 30; Khoản 2 Điều 32; Điều 33; Khoản 1, Khoản 5 Điều 40; Điều 41; các điểm a, b và d Khoản 1, các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 42; Điểm c Khoản 1 Điều 52; Khoản 2 và Khoản 3 Điều 55; Khoản 2 Điều 56; Điều 57, Điều 58, các Điểm a, b và c Khoản 3 Điều 59, Điểm a Khoản 2 Điều 68, Khoản 2 Điều 69 và Khoản 1 Điều 70 Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
3. Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh có thẩm quyền xử phạt quy định tại Chương IV Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức gấp 2 lần đối với cá nhân.

 khoản 2 Điều 66. Vi phạm quy định về biển hiệu
"2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ tên gọi bằng tiếng Việt trên biển hiệu;
b) Không viết bằng chữ tiếng Việt mà chỉ viết bằng chữ tiếng nước ngoài trên biển hiệu;
c) Thể hiện tên riêng, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ nước ngoài ở phía trên tên bằng chữ tiếng Việt trên biển hiệu;
d) Thể hiện tên gọi, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ nước ngoài có khổ chữ quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt trên biển hiệu;
đ) Kinh doanh mà không có biển hiệu;
e) Quảng cáo hàng hóa lẫn với biển hiệu;
g) Chiều cao của biển hiệu dọc vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu."

Như vậy mức phạt 25.000.000 đồng là đúng với quy định của pháp luật vì tổ chức bị phạt gấp hai lần so với cá nhân, mà mức phạt đối với cá nhân theo Điều 66 là từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 thì đối với tổ chức từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, do đó mức 25.000.000 nằm đúng trong khoảng tiền phạt với hành vi vi phạm.

 

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp: ( Tổng đài luật sư trực tuyến 1900.6169 )

 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo