Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Điều kiện bảo hộ tên thương mại và bí mật kinh doanh

Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.

 

Tên thương mại và bí mật kinh doanh được bảo hộ khi đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Luật sở hữu trí tuệ 2005, cụ thể như sau:

 

A/  Điều kiện bảo hộ tên thương mại

 

Điều kiện chung đối với tên thương mại được bảo hộ

 

Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

 

Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại

 

Tên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoặc chủ thể khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh thì không được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại.

 

Khả năng phân biệt của tên thương mại

 

Tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

 

+   Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng;

 

+   Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh;

 

+   Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.

 

B/  Điều kiện bảo hộ bí mật kinh doanh

 

Điều kiện chung đối với bí mật kinh doanh được bảo hộ

 

Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

 

+   Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;

 

+   Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;

 

+   Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

 

Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh

 

Các thông tin bí mật sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh:

 

+   Bí mật về nhân thân;

 

+   Bí mật về quản lý nhà nước;

 

+   Bí mật về quốc phòng, an ninh;

 

+   Thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.

 

P. Luật sư tư vấn

Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo