Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Công ty TNHH một thành viên có bắt buộc có kế toán không?

Nếu bạn đang có ý định mở doanh nghiệp hoặc bạn đang điều hành hoạt động của một doanh nghiệp thì chắc hẳn bạn đã xác định được việc xử lý các hoạt động tài chính của công ty là điều bạn cần đảm bảo trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Khi đó, bộ phận kế toán chính là bộ phần quan trọng, giúp giải quyết các vấn đề tài chính của doanh nghiệp.

1. Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp

Hiện nay, mỗi công ty đều cần có bộ phận kế toán. Bộ phận này góp đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho doanh nghiệp nói chung và hoạt động tài chính nói riêng. Thông qua bộ phận kế toán, các nhà quản lý có thể theo dõi thường xuyên tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình, bao gồm quá trình sản xuất, theo dõi thị trường và kiểm soát nội bộ. Từ đó đưa ra những đánh giá và hướng đi phù hợp cho doanh nghiệp trong tương lai.

Do đó, việc nắm được các quy định liên quan đến kế toán để từ đó có cách thức tổ chức, hoạt động và quản lý là vô cùng cần thiết đối với các loại hình doanh nghiệp. Nếu bạn đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định liên quan đến kế toán bạn hãy liên hệ với công ty Luật Minh Gia thông qua các hình thức như gửi Email tư vấn hoặc gọi tới số 1900.6169 để được chúng tôi tư vấn cụ thể về các vấn đề này.

2. Công ty TNHH một thành viên có bắt buộc có kế toán không?

Câu hỏi: Thưa luật sư! Tôi đang làm thủ tục thành lập công ty TNHH một thành viên. Tôi xin hỏi vị trí kế toán trong công ty phải cố định không? Tôi muốn giảm gánh nặng chi phí. Giám đốc có được trực tiếp khai báo thuế và làm việc với cơ quan bảo hiểm xã hội không? Tôi xin chân thành cảm ơn! 

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Gia. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn như sau: 

Đơn vị kế toán còn được gọi là tổ chức kế toán; là nơi diễn ra các hoạt động kiểm soát tài sản và tiến hành các công việc, các nghiệp vụ sản xuất, kinh doanh. Các đơn vị này là nơi cần phải thực hiện việc ghi chép, thu nhận, xử lý, cung cấp thông tin, tổng hợp và lập báo cáo cho doanh nghiệp, tổ chức.

Đơn vị kế toán là đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 2 của Luật kế toán có lập báo cáo tài chính.

Điều 2 Luật kế toán 2013 quy định:

"Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Đối tượng áp dụng của Luật này bao gồm:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước;

b) Đơn vị sự nghiệp, tổ chức không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước;

c) Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;

d) Hợp tác xã;

đ) Hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác;

e) Người làm kế toán, người khác có liên quan đến kế toán.

2. Đối với văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, hộ kinh doanh cá thể và tổ hợp tác, Chính phủ quy định cụ thể nội dung công tác kế toán theo những nguyên tắc cơ bản của Luật này."

Theo điểm c khoản 1 Điều 2 thì đơn vị kế toán cũng bao gồm cả các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Như vậy thì công ty TNHH một thành viên mà bạn thành lập cũng là một đơn vị kế toán.

Điều 48 Luật kế toán 2003 quy định về tổ chức bộ máy kế toán như sau:

"Điều 48. Tổ chức bộ máy kế toán

1. Đơn vị kế toán phải tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán hoặc thuê làm kế toán.

2. Đơn vị kế toán phải bố trí người làm kế toán trưởng. Trường hợp đơn vị kế toán chưa bố trí được người làm kế toán trưởng thì phải cử người phụ trách kế toán hoặc thuê người làm kế toán trưởng (sau đây kế toán trưởng và người phụ trách kế toán gọi chung là kế toán trưởng).

3. Trường hợp cơ quan, doanh nghiệp có đơn vị kế toán cấp trên và đơn vị kế toán cấp cơ sở thì tổ chức bộ máy kế toán theo quy định của pháp luật."

Theo quy định tại khoản 1 Điều 48 thì đơn vị kế toán phải tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán hoặc thuê làm kế toán. Như vậy, khi bạn thành lập công ty TNHH một thành viên thì doanh nghiệp bạn phải tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán hoặc thuê làm kế toán theo quy định. Về tiêu chuẩn, quyền và trách nhiệm của người làm kế toán được quy định tại Điều 50 Luật kế toán 2003 như sau:

"Điều 50. Tiêu chuẩn, quyền và trách nhiệm của người làm kế toán

1. Người làm kế toán phải có các tiêu chuẩn sau đây:

a) Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;

b) Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán.

2. Người làm kế toán có quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán.

3. Người làm kế toán có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán, thực hiện các công việc được phân công và chịu trách nhiệm về chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Khi thay đổi người làm kế toán, người làm kế toán cũ phải có trách nhiệm bàn giao công việc kế toán và tài liệu kế toán cho người làm kế toán mới. Người làm kế toán cũ phải chịu trách nhiệm về công việc kế toán trong thời gian mình làm kế toán."

Điều 51 Luật kế toán 2003 quy định về những người không được làm kế toán như sau:

"Điều 51. Những người không được làm kế toán

1. Người chưa thành niên; người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang phải đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hoặc bị quản chế hành chính.

2. Người đang bị cấm hành nghề, cấm làm kế toán theo bản án hoặc quyết định của Tòa án; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án về một trong các tội về kinh tế, về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích.

3. Bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người có trách nhiệm quản lý điều hành đơn vị kế toán, kể cả kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán là doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, hợp tác xã, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.

4. Thủ kho, thủ quỹ, người mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán là doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, hợp tác xã, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước."

Bạn tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình!

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp: Tổng đài luật sư trực tuyến 1900.6169

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo