Phạm Diệu

Công ty nợ lương người lao động có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản không?

Tiền lương không chỉ là mối quan tâm hàng đầu của người lao động mà còn là một trong những vấn đề nan giải đối với doanh nghiệp. Hiện nay, cơ chế chi trả lương cho người lao động tại các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, do đó gây ra rất nhiều khó khăn cho đời sống của người lao động. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng giải thể hoặc phá sản thì vấn đề giải quyết tiền lương cho người lao động càng được coi là cấp thiết.

 

1. Luật sư tư vấn về vấn đề giải quyết tiền lương cho người lao động khi doanh nghiệp phá sản

 

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tiến hành thủ tục phá sản nhưng còn tồn đọng rất nhiều vấn đề không giải quyết triệt để, đặc biệt là tiền lương và các quyền lợi khác của người lao động. Người lao động có thể không được trả lương đầy đủ, không được giải quyết chế độ thôi việc, không được chốt sổ bảo hiểm xã hội, điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, cuộc sống của người lao động nói riêng và tác động xấu tới nền kinh tế nói chung.

 

Trường hợp, nếu bạn gặp phải vấn đề này và không biết phải giải quyết như thế nào để đảm bảo quyền lợi của mình thì bạn có thể liên hệ với Luật sư của chúng tôi để được hỗ trợ, giải đáp.

 

Bạn có thể gửi câu hỏi hoặc gọi: 1900.6169 để được Luật sư giải quyết vướng mắc.

 

Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo tình huống sau đây để có thêm kiến thức về lao động liên quan đến vấn đề giải quyết quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp phá sản.

 

2. Yêu cầu giải quyết tiền lương cho người lao động khi doanh nghiệp phá sản

 

Nội dung yêu cầu tư vấn: Xin chào luật sư! Tôi có vướng mắc liên quan đến lao động và phá sản, hi vọng nhận được hỗ trợ từ phía luật sư. Vụ việc cụ thể như sau: Tháng 11/2019, tôi có làm việc cho một công ty. Do làm ăn thua lỗ nên đến hiện tại là ngày 08/03/2020 công ty vẫn chưa trả lương cho người lao động. Ngày 21/02/2020, công ty có kêu người lao động lên để tuyên bố giải thể công ty và chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, người đại diện theo luật của công ty lại không chịu ký vào biên bản xác nhận số lương nợ người lao động. Nay, tôi và những người khác định làm đơn yêu cầu phá sản. Tuy nhiên, trong hồ sơ phải đính kèm văn bản xác nhận số tiền lương của người lao động mà công ty chưa trả. Do đó câu hỏi của tôi là: 1. Tôi có thể nộp hồ sơ yêu cầu phá sản mà không có văn bản xác nhận số lương bị nợ không? 2. Nếu bắt buộc phải đính kèm văn bản đó mà người đại diện theo pháp luật của công ty không chịu ký thì phải làm sao?   Kính mong nhận được sự giúp đỡ của quý luật sư. Xin trân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung yêu cầu tư vấn của bạn, chúng tôi trả lời như sau:

 

Tại khoản 2 Điều 5 Luật phá sản 2014 quy định về người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:

 

"2. Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.".

 

Theo quy định trên thì người lao động có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

 

Điều 27 Luật phá sản 2014 quy định thủ tục yêu cầu mở thủ tục phá sản như sau:

 

Điều 27. Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của người lao động, đại diện công đoàn

 

1. Khi yêu cầu Tòa án nhân dân mở thủ tục phá sản, người lao động, đại diện công đoàn quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật này phải làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

 

2. Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải có các nội dung chủ yếu sau:

 

a) Ngày, tháng, năm;

 

b) Tên Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết phá sản;

 

c) Tên, địa chỉ của người làm đơn;

 

d) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản;

 

đ) Tổng số tiền lương và các khoản nợ khác đã đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không trả cho người lao động.

 

Kèm theo đơn phải có chứng cứ để chứng minh lương và các khoản nợ khác đến hạn.

 

Căn cứ quy định nêu trên và đối chiếu với trường hợp của bạn thì khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày công ty phải thực hiện nghĩa vụ trả lương mà công ty không thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì bạn có quyền nộp đơn tại Tòa án để yêu cầu mở thủ tục phá sản. Ngoài việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì bạn phải nộp kèm theo chứng cứ chứng minh công ty đang nợ tiền lương và các khoản nợ khác.

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì công ty không ký biên bản xác nhận số tiền lương đang nợ người lao động, do đó bạn chưa đủ căn cứ để yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản. Bạn có thể yêu cầu giải quyết vấn đề công ty nợ lương tại công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp quận (huyện) để có căn cứ xác nhận công ty đang nợ lương người lao động. Hoặc bạn có thể làm đơn yêu cầu giải quyết nợ lương tại Phòng lao động thương binh xã hội cấp quận (huyện) để có căn cứ yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo