Nông Bá Khu

Cổ đông sáng lập có được sử dụng cổ phần của mình để trả nợ không?

Luật sư tư vấn vụ việc cụ thể về vấn đề chuyển nhượng cổ phần, rút vốn và hưởng cổ tức của cổ đông trong công ty cổ phần theo quy định của pháp luật hiện hành.

Xin chào Luật sư! Luật sư cho tôi hỏi là ông xã tôi có cho Bạn mượn một số tiền để thành lập công ty Cổ Phần,giờ bạn của anh ấy muốn bán cổ phần của công ty cho chúng tôi với số tiền đã mượn thì ông xã tôi có phải là cổ đông sáng lập của công ty không ạ. Hiện tại ông xã tôi làm kỹ sư tại công ty ấy,nếu sau này nghỉ việc thì cổ phần ấy sẽ như thế nào? Chúng tôi muốn rút vốn lại có được hay không ạ? Nếu được thì phải cần đk như thế nào Còn điều này nữa ạ ban đầu khi thành lập công ty thì mọi người đã thoả thuận phần lợi nhuận sẽ được chia cho cổ đông nhưng bây giờ lại không chia,chúng tôi có thể làm gì để lấy đc phần lợi nhuận tương ứng với phần vốn của mình ạ? Xin cảm ơn luật sư nhiều. 

 

Trả lời:Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn về công ty Luật Minh Gia. Về vấn đề của bạn, chúng tôi xin giải đáp như sau:

 

Thứ nhất, Do bạn không cung cấp thông tin cụ thể về việc công ty cổ phần trên đã thành lập được bao lâu, nên căn cứ vào khoản 3 Điều 119 Luật Doanh Nghiệp 2014:

 

“3. Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.”

 

Đồng căn cứ khoản 5 Điều 126 Luật Doanh nghiệp 2014:

 

“5. Cổ đông có quyền tặng cho một phần hoặc toàn bộ cổ phần của mình tại công ty cho người khác; sử dụng cổ phần để trả nợ. Trường hợp này, người được tặng cho hoặc nhận trả nợ bằng cổ phần sẽ là cổ đông của công ty.”

 

Theo đó, nếu CTCP trên đã thành lập được trên 3 năm, thì bạn của chồng bạn có thể tự do sử dụng cổ phần của mình để trả nợ cho người khác. Ngược lại, nếu như công ty thành lập dưới ba năm, thì việc chuyển nhượng cổ phần để thanh toán nghĩa vụ này phải được sự đồng ý của Đại hội đồng cổ đông. Tuy nhiên, đối với cổ đông sáng lập khi chuyển nhượng cổ phần cho người ngoài mà muốn cho người này làm cổ đông sáng lập phải có sự đồng ý của Đại hội đồng cổ đông và phải làm thủ tục đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập tới cơ quan đăng ký kinh doanh.

 

Thứ hai, về vấn đề khi chồng bạn nghỉ việc. Việc chồng bạn nghỉ việc hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc anh vẫn là cổ đông sở hữu số cổ phần đã được chuyển nhượng đó.

 

Theo quy định tại khoản 1 điều 115 Luật doanh nghiệp năm 2015 thì cổ đông không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Do đó, theo quy định của pháp luật, khi muốn rút vốn khỏi CTCP, gia đình bạn có hai lựa chọn đó là : yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình hoặc chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác.

 

Điều kiện để thực hiện hai hình thức rút vốn trên như sau:

 

Cổ đông yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình: Trong trường hợp cổ đông phản đối nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty, cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình.

 

Một cách khác để cổ đông rút vốn khỏi công ty cổ phần là chuyển nhượng cổ phần. Luật doanh nghiệp cho phép cổ đông tự do chuyển nhượng cổ phần của mình, trừ các trường hợp sau:

 

- Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có thể chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần cho người khác (không phải cổ đông sáng lập) nếu được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận;

 

-Trong trường hợp Điều lệ công ty có quy định về việc hạn chế chuyển nhượng và được nêu rõ trong cổ phiếu.

 

Thứ ba, về vấn đề chi trả cổ tức:

 

Cổ đông chỉ được nhận cổ tức khi công ty kinh doanh có lãi, đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo qui định, và ngay khi trả hết số cổ tức đã định, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả.  (Điều 132 Luật Doanh nghiệp 2014)

 

Việc chi trả cổ tức như thế nào sẽ do đại hội đồng cổ đông (là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần, họp ít nhất một lần/năm) quyết định, và bạn với tư cách một cổ đông sẽ được quyền tham dự và biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông này, cũng như phải được thông báo về việc chi trả cổ tức của công ty. Trong trường hợp công ty kinh doanh có lãi, đã hoàn thành đủ các nghĩa vụ mà vẫn không chi trả cổ tức cho cổ đông, thì chồng bạn có quyền kiến nghị hoặc khởi kiện khi có tranh chấp tại Tòa án nhân dân nơi Công ty đặt trụ sở.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Mai Thị Ngọc Mai- Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo