Hoàng Thị Nhàn

Buộc công ty đối tác thực hiện các khoản thanh toán

Luật sư tư vấn về trường hợp các bên đã ký hợp đồng mua bán hàng hóa nhưng đã quá thời hạn thanh toán mà bên mua chưa thanh toán đủ. Cụ thể như sau:

 

Chào luật sư! Tôi có trường hợp mong được luật sư tư vấn. Công ty của tôi có hợp đồng với 1 công ty về việc mua bán hàng hóa. Trong đó công ty của tôi là bên cung cấp hàng hóa, hai bên thỏa thuận trong hợp đồng là thanh toán thành 2 đợt: đợt 1 là 40% và đợt 2 là 60%;  nếu vi phạm hợp đồng sẽ bị phạt 8% giá trị hợp đồng. Công ty tôi đã hoàn tất nghĩa vụ giao hàng theo hợp đồng nhưng đã quá hạn thanh toán 4 tháng mà Công ty đối tác vẫn chưa thanh toán số tiền phải thanh toán đợt 2. Công ty tôi có thể yêu cầu Tòa án áp dụng các chế tài thương mại nào. Cho tôi hỏi: Nếu bây giờ công ty của tôi khởi kiện công ty đối tác ra Tòa để yêu cầu Tòa buộc công ty đối tác phải thanh toán số tiền chưa thanh toán và chịu các chế tài, các nghĩa vụ tài chính khác theo hợp đồng đã thỏa thuận và theo quy định của Luật thương mại. Vậy theo quy định pháp luật Việt Nam: Công ty tôi có thể yêu cầu Tòa án áp dụng các chế tài thương mại và buộc công ty đối tác thực hiện các khoản thanh toán nào cho công ty của tôi? Rất mong nhận được phản hồi sớm của Luật sư. Xin trân trọng cảm ơn.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.

 

Công ty bạn đã hoàn tất nghĩa vụ giao hàng theo hợp đồng nhưng đã quá hạn thanh toán 4 tháng mà Công ty đối tác vẫn chưa thanh toán số tiền phải thanh toán đợt 2 có nghĩa là bên công ty đối tác đã vi phạm nghĩa vụ trả tiền theo quy định của pháp luật.

 

Trường hợp các bên không thỏa thuận được và dẫn đến tranh chấp thì công ty bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân hoặc Trọng tài thương mại để được giải quyết. Nếu trong hợp đồng không có điều khoản trọng tài thì công ty bạn có thể thực hiện việc khởi kiện ra Tòa án.

 

Điều 292 Luật Thương mại năm 2005 quy định:

 

“Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm hợp đồng thực hiện các chế tài sau:

 

1. Buộc thực hiện đúng hợp đồng.

 

2. Phạt vi phạm.

 

3. Buộc bồi thường thiệt hại.

...

7. Các biện pháp khác do các bên thoả thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế”.

 

Trường hợp bên vi phạm hợp đồng do sự kiện bất khả kháng; hoàn toàn do lỗi của bên bạn; xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận; Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng thì bên vi phạm được miễn trách nhiệm.

 

Ngoài việc bắt buộc thực hiện nghĩa vụ thanh toán đợt 2, Công ty bạn có quyền yêu cầu bên đối tác thực hiện các khoản thanh toán sau:

 

Trường hợp trong hợp đồng có điều khoản về phạt vi phạm hợp đồng thì bên vi phạm phải có nghĩa vụ thanh toán khoản tiền phạt vi phạm theo thỏa thuận trong hợp đồng.

 

Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 quy định như sau:

 

Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

 

Điều 301. Mức phạt vi phạm

 

“Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này”.

 

Hai bên thỏa thuận trong hợp đồng nếu bên nào vi phạm hợp đồng sẽ bị phạt 8% giá trị hợp đồng. Như vây, công ty bạn hoàn toàn có căn cứ buộc bên đối phải thanh toán khoản vi phạm hợp đồng với mức 8% tổng giá trị hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

 

Căn cứ Điều 302 Luật thương mại 2005 công ty bạn cũng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại:

 

"1. Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.

 

2. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm."

 

Khi yêu cầu bồi thường thiệt hại, bên công ty bạn phải chứng minh được tổn thất, mức độ tổn thất và các khoản lợi trực tiếp mà công ty bạn đáng nhẽ được hưởng do việc châm thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền hàng của công ty đối tác

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
CV tư vấn: Nguyễn Thị Oanh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo