Luật gia Nguyễn Nhung

Xử phạt hành chính hành vi lấn chiếm lối đi chung

Luật sư tư vấn về vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai do lấn chiếm đất ở phần lối đi chung. Việc xây tường rào lấn chiếm này trước đây đã yêu cầu cơ quan địa chính hỗ trợ nhưng không được giải quyết. Nội dung tư vấn như sau:

 

Dạ, gia đình em đang có sự tranh chấp đất đai. Em không hiểu hết về luật nên mong luật sư trả lời giúp em tình huống này. Vào tháng 8 năm 2017 ba em xây tường rào (vì ở nông thôn nên tường rào cũ là cây bụi chiếm diện tích đất rất rộng, tường rào còn giáp với lối đi chung của xóm) giờ xây lại bằng bê tông nên diện tích đất dư ra nhiều mà không biết trước kia địa chính đo đất nhà em lấy theo tâm của tường rào hay theo lề ngoài tường rào. Nên ba em có mời địa chính xã đến để họ đo đất cho nhà em xây dựng tường rào. Nhưng địa chính xã không đến và bảo để chính quyền thôn giải quyết. Gia đình mời thôn trưởng đến họ bảo lấy theo tâm của hàng rào cũ để xây và khi xây xong họ đồng ý. Nhưng 3 tháng sau thì ông hàng xóm gởi đơn kiện và tuyên truyền cho mọi người nhà em lấn chiếm đất đường đi. Rồi ông này còn mời địa chính ra đo đất, lúc này địa chính xã lại ra đo và bảo nhà em lấn nữa mét đất, yêu cầu phải đập bỏ và xây lại cho đúng với diện tích được ghi trong sổ nhà đất. Vậy cho em hỏi trong tình huống như trên ai đúng, ai sai và gia đình em phải làm như thế nào cho đúng pháp luật ạ. Em biết ơn luật sư rất nhiều. Mong hồi âm của luật sự sớm nhất có thể, em xin cảm ơn.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Gia đình bạn đang có hành vi lấn chiếm đất thuộc lối đi chung, lúc này gia đình mình cần thỏa thuận với những người chủ sở hữu của mảnh đất được cắt ra một phần làm lối đi chung về việc cho phép gia đình mình xây tường rào lên 1 phần diện tích này và có thể sẽ đền bù một khoản tiền tương ứng với diện tích đó.

 

Nếu những người chủ sở hữu đó không đồng ý thỏa thuận. Căn cứ vào quy định tại Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì hành vi lấn chiếm đất của gia đình bạn có thể sẽ bị xử phạt như sau:

 

“Điều 10. Lấn, chiếm đất

 

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

 

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.

 

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.

 

4. Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác.

 

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

 

a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;

 

b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.”

 

Trường hợp của gia đình bạn sẽ buộc phải phá bỏ tường rào đã xây lấn để khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và yêu cầu của địa chính xã là hoàn toàn có cơ sở pháp luật.

 

Nếu bạn có các giấy tờ chứng minh hành vi vi phạm pháp luật đất đai của gia đình mình hoàn toàn là hệ quả của việc thực hiện các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bạn có thể yêu cầu chính cơ quan đó bồi thường thiệt hại cho gia đình mình theo quy định tại Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 như sau:

 

“Điều 4. Quyền yêu cầu bồi thường

 

1. Người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường giải quyết việc bồi thường khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc có văn bản của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26 của Luật này.

 

2. Trong quá trình khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc Toà án giải quyết việc bồi thường.”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Hà Diệu Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo