LS Vũ Thảo

Xử lý lấn chiếm đất đai

Thưa luật sư ! tại địa phương tôi có trường hợp công ty A được UBND tỉnh cho thuê đất đã có giấy chứng nhận thuê đất từ năm 2008. tại thời điểm giao đất công ty đã liên hệ với sở TNMT để cắm mốc, giao đất tại thực địa.

 

Tuy nhiên, từ lúc cho thuê đến năm 2015 công ty chưa tác động gì và cũng không có hàng rào tạm để xác định ranh giới. Năm 2016, công ty có nhu cầu sử dụng thì diện tích này bị các hộ dân lấn chiếm xin hỏi luật sư cách giải quyết trường hợp này? Chúng tôi phải trình báo và gửi yêu cầu đến đâu? UBND thị trấn có quyền lập biên bản xử lý vi phạm hành chính về hành vi lấn chiếm đất không? Xin cảm ơn luật sư.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, xử lý trường hợp thuê đất nhưng không sử dụng trong thời gian dài.

 

Công ty A thuê đất từ năm 2008 nhưng không sử dụng đến năm 2015, như vậy đất thuê đó bị bỏ không trong 7 năm. Đây là một hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Đất đai năm 2003 và cũng là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất.

 

Điều 38 Luật Đất đai năm 2003 quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, bao gồm:

 

1. Nhà nước thu hồi đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế;

 

2. Tổ chức được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất;

 

3. Sử dụng đất không đúng mục đích, sử dụng đất không có hiệu quả;

 

4. Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất;

 

5. Đất được giao không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền;

 

6. Đất bị lấn, chiếm trong các trường hợp sau đây:

 

a) Đất chưa sử dụng bị lấn, chiếm;

 

b) Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm;

 

7. Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế;

 

8. Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất;

 

9. Người sử dụng đất cố ý không thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước;

 

10. Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn mà không được gia hạn khi hết hạn;

 

11. Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền kề; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liền; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liền;

 

12. Đất được nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép.

 

Điều 44 Luật Đất đai 2003 quy định thẩm quyền thu hồi đất:

 

1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

 

2. Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

 

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không được ủy quyền.

 

Thứ hai, trách nhiệm hành chính đối với hộ gia đình, cá nhân có hành vi lấn, chiếm đất đai.

 

Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối vói hành vi lấn, chiếm đất:

 

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đói với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp, không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

 

2. Phạt tiền từ 3,000,000 đồng đến 5,000,000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

 

3. Phạt tiền từ 5,000,000 đồng đến 10,000,000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.

 

4. Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động  xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà ở và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác.

 

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

 

a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này;

 

b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.

 

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính: UBND xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm mà mức phạt tiền đến 5.000.000 đồng, UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (UBND cấp huyện) có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính mà mức phạt tiền đến 50.000.000 đồng; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính mà mức phạt tiền đến 500.000.000 đồng.

 

Như vậy trong trường hợp này, UBND thị trấn có thẩm quyền xử phạt hành chính với hành vi lấn, chiếm đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Xử lý lấn chiếm đất đai. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Trịnh Hoa - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo