LS Ngọc Anh

Xây nhà trên đất của người khác có được không?

Luật sư tư vấn về việc ông T.V.Q xây nhà trái phép trên mảnh đất để dành lối thoát hiểm của 5 hộ gia đình trên lô đất. các gia đình đã làm đơn kiện lên Toà án yêu cầu giải quyết tranh chấp. Nội dung vụ việc cụ thể như sau:

Chào luật sư, lời đầu tiên xin cảm ơn và xin lỗi vì đã làm phiền luật sư, tôi xin trình bày sự việc như sau: Gia đình tôi là người gốc hoa, ông bà nội tôi di cư từ Trung Quốc sang trước năm 1945, nhập quốc tịch Việt Nam và vào nam làm việc cho gia đình của ông L.T. Năm 1962, ông nội tôi mua lại 1 căn nhà trong dãy phố của ông L.T (dãy phố của ông có 5 căn nhà liền nhau, nhà tôi là căn giữa), do con trai ông L.T là T.V.Đ đứng ra bán có làm giấy tờ mua bán tay tại chính quyền địa phương. Căn nhà này là một phần thuộc bằng khoán 363 do chính quyền Pháp cấp. Bằng khoán 363 bao gồm 5 căn nhà phố và phần đất phía sau nhà chạy dài ra bờ sông, do ông bà nội tôi không rành tiếng Việt tiếng Pháp nên không có làm giấy tờ tách đất ra khỏi bằng khoán mà chỉ làm giấy mua bán tay.Về sau chủ cũ đi chủ mới đến nên không ai làm lại giấy tờ, với lại cả 5 hộ cũng đồng ý với nhau để phần đất đó trống không xây dựng để làm lối thoát hiểm ra bờ sông, bằng khoán 363 bản gôc được đưa cho người mua căn nhà đầu tiên của dãy phố giữ và bị cháy mất, chỉ còn lại bản photo mỗi hộ giữ một bản. Vì lục đục gia đình nên gia đình tôi chỉ mới làm GCN QSDĐ năm 2017 và chỉ làm phần nhà ở chứ phần đất phía sau nhà không làm.Vào khoản năm 1990, ông T.V.Q và gia đình dọn đến ở phần đất sau nhà, ông nói nhà khổ quá cho ông cất chòi ở tạm nào tìm được chỗ có tiền ông dọn đi. sự việc tranh chấp lúc này mới bắt đầu:Năm 2006, chính quyền địa phương cấp nhà tình nghĩa cho ông T.V.Q, có cấp đất và cho tiền cất nhà nhưng ông T.V.Q lại bán đất đó và xây nhà trên phần đất chung của 5 căn phố, chúng tôi làm đơn khiếu nại thì chính quyền hứa sẽ giải quyết nhưng mãi chẳng thấy xử lí mà ông T.V.Q thì đã xây xong nhà, chúng tôi làm dữ thì ông T.V.Q hứa sẽ dỡ bỏ chuyển đi nhưng cuối cùng đâu lại vào đấy.Năm 2017, chính quyền lại tiếp tục cấp nhà cho ông T.V.Q chúng tôi làm đơn khiếu nại lên UBND phường thì xử hòa giải bất thành nhưng lại không ngăn cản ông T.V.Q xây nhà. Lần này ông T.V.Q còn xây lớn hơn lấn chiếm hết phần đất sau nhà, bịt kín hoàn toàn lối thoát hiểm của chúng tôi.Cả 5 hộ làm đơn khởi kiện ra tòa án nhân dân thành phố thì đến nay toà án vẫn chưa thụ lí hồ sơ và gửi thông báo lần 2 yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng.Như tôi trình bày ở trên1. Năm hộ đều có GCN QSDĐ căn nhà chúng tôi thừa hưởng2. Bản photo bằng khoán 363 phần đất dãy phố 5 căn và phần đất phía sau dãy phố

Tôi có các câu hỏi như sau: 1. Nếu hồ sơ được thụ lí, căn cứ theo pháp luật Việt Nam chúng tôi có lấy lại được phần đất đã bị chiếm dụng không, ông T.V.Q không hề có bất cứ giấy tờ gì chứng minh ông ta có quyền sử dụng phần đất đó

2. Sau khi kết thúc vụ kiện tôi có thể làm lại bằng khoán khác không vì bằng khóan cũ bị cháy mất, tôi muốn làm lại bằng khoán đất phần mà ông nội tôi đã mua

3. Sau khi đã gửi thông báo bổ sung 2 lần nhưng nếu chúng tôi vẫn không thể cung cấp đủ chứng cứ như tòa án yêu cầu, vậy toà án có thụ lí hồ sơ của chúng tôi không hay sẽ bác đơn kiện.

Trên đây là sự việc và thắc mắc mà tôi muốn hỏi, rất mong nhận được mail tư vấn của luật sư. Một lần nữa rất xin lỗi vì đã làm phiền luật sư. Chúc luật sư và văn phòng luât gày càng phát triển.Rất cảm ơn và trân trọng kính chào.

 

Trả lời tư vấn: cảm ơn bạn đã gửi nội dung câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia. Vấn đề của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, căn cứ yêu cầu công nhận phần đất đã bị chiếm dụng,

 

Trường hợp này ông T.V.Q không hề có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh quyền sở hữu hợp pháp mảnh đất đã xây dựng nhà và ông cũng không được cấp giấy phép xây dựng nên ông không có quyền xây nhà trên mảnh đất của gia đình bạn và các hộ xung quanh. Hơn nữa, mảnh đất đó đã được gia đình bạn và các hộ xung quanh mua lại trong lô đất gồm 5 căn nhà và 1 mảnh đất phía sau, có giấy tờ mua bán tay tại chính quyền địa phương và có giữ bản photo của Bằng khoán từ thời Pháp. Đó là giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 50 Luật đất đai 2013: “Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất đai trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;”

 

Vì vậy, việc ông T.V.Q xây dựng nhà trên diện tích đất của gia đình bạn là trái quy định pháp luật. Bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu ông T.V.Q phá dỡ ngôi nhà đang xây dựng hoặc yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích cho mình cùng các hộ xung quanh.

 

Bạn có thể nộp đơn yêu cầu UBND xã/phường tiến hành hòa giải tranh chấp giữa bạn và ông T.V.Q. Nếu hòa giải thành thì 2 bên sẽ thực hiện theo biên bản hòa giải thành đó, nếu không hòa giải thành thì có thể tiến hành yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

 

Thứ hai, vấn đề làm lại bằng khoán khác 

 

Bằng khoán điền thổ là giấy tờ tạo lập nhà ở hay còn gọi là giấy (hoặc sổ) chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với đất thổ cư) có ghi rõ trên đất có nhà ở. Các bằng khoán điền thổ này do Sở Địa chính thời thuộc Pháp lập và cấp cho chủ sở hữu cho tới trước ngày 30.04.1975. Về cấu trúc và bố cục trình bày, bằng khóan điền thổ thể hiện thông tin một cách rõ ràng, khoa học, nhưng hiệu quả.

 

Bằng khoán điền thổ thực chất là những phiếu kê khai đo đạc về diện tích, các loại hình đất đai, chủ sở hữu cụ thể phục vụ công tác quản lý.Đó chính là một hình ảnh tương đồng với sổ địa bạ (thời Nguyễn) và sổ đỏ (thời hiện đại).

 

Như vậy, bằng khoán tương đương với sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), giấy tờ này chỉ được cấp tới trước ngày 30/4/1975 nên bạn không thể làm lại bằng khoán như bằng khoán từ thời Pháp thuộc mà chỉ có thể làm dưới hình thức giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thời điểm hiện tại.

 

Thứ ba, về vấn đề thụ lý hồ sơ của Tòa án 

 

Căn cứ theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 97 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về Xác minh, thu thập chứng cứ: “Yêu cầu Toà án thu thập tài liệu, chứng cứ nếu đương sự không thể thu thập tài liệu, chứng cứ”.

 

Nếu bạn và các hộ gia đình khác không thể tự mình thu thập chứng cứ thì có thể yêu cầu Toà án thu thập tài liệu, chứng cứ.

 

Theo quy định tại khoản 1, Điều 96 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về Giao nộp tài liệu, chứng cứ:

 

“1. Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ việc thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Nếu đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật này để giải quyết vụ việc dân sự”.

 

Như vậy, nếu Toà án yêu cầu bạn cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ nhưng bạn không thể cung cấp được và cũng không có yêu cầu Toà án thu thập chứng cứ khi không tự mình thu thập được thì Toà án sẽ căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ mà bạn đã giao nộp để giải quyết vụ việc của gia đình bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Khánh Linh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo