Trần Phương Hà

Tư vấn về yêu cầu chia di sản thừa kế là Đất đai đã do người khác đứng tên trên GCNQSDĐ

Trường hợp tư vấn về việc một số người thừa kế nằm trong hàng thừa kế thứ nhất yêu cầu chia di sản đối với tài sản của một trong những người thừa kế khác đã được đứng tên trên GCNQSDĐ (mà GCNQSDĐ đó được cấp do nguồn gốc đất sử dụng ổn định lâu dài và không có tranh chấp).

 

Nội dung yêu cầu tư vấn: Ông bà nội cháu đẻ được 8 người con, 6 người con gái và hai người con trai là bố cháu (thứ 4 sinh năm 1957) và bác thứ 3. Bà nội cháu mất sớm trước năm 1972. Bác thứ 3 mất cũng đã lâu, bố cháu phải làm lụng vất vả từ bé để phụ giúp kinh tế cho Ông nội và chăm sóc cho các cô do các cô còn nhỏ các bác gái thì đi lấy chồng sớm và không phụ giúp được gì cho bố cùng các em.

Năm 1972 bố cháu cùng ông nội có mua lại một mảnh đất ao của ông xxx người cùng xóm với diện tích 456m2 để bố cháu nuôi thả cá giống. Tại thời điểm mua bán không có giấy tờ chuyển nhượng đất mà chỉ giao kèo bằng miệng, bố cháu thực hiện nuôi cá giống trên mảnh đất đó để phụ giúp ông về kinh tế và chăm lo cho các em.

Sau đó bố cháu đi bộ đội, sau 4 năm phục vụ ở chiến trường Camphuchia, bố cháu trở về quê để chăm lo cho ông nội và các cô, sau đó Bố cháu lấy mẹ cháu và vẫn ở cùng ông nội và các cô của cháu trên mảnh đất 102 m2 là tài sản của ông bà. Khoảng năm 1993 cô Tám nhà cháu (là cô út) đi lấy chồng bố mẹ cháu đã phải lo toàn bộ chi phí cưới hỏi cho cô Tám (do lúc này ông nội cháu đã tuổi cao, sức yếu lại thường xuyên uống rượu nên không còn là lao động chính trong nhà).

Từ đó đến năm 2001 Ông nội cháu vẫn sống cùng bố mẹ cháu và được bố mẹ cháu phụng dưỡng. Năm 2001 Ông nội cháu mất, bố mẹ cháu đứng ra lo ma chay, giỗ chạp cho cả ông nội và bà nội cho đến nay. Năm 2008 bố cháu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các mảnh đất 102m2 và 456m2 do sử dụng ổn định, lâu dài và nộp thuế đầy đủ (bố cháu vẫn giữ được biên lai nộp thuế đứng tên bố cháu từ năm 1972) không có tranh chấp gì, việc cấp giấy chứng nhận tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật có dán giấy và thông báo ở xã 30 ngày các cô các bác của cháu đều đồng ý và không có ý kiến gì (nhưng không có giấy xác nhận).

Năm 2010 Bố cháu có bán mảnh đất 102 m2 cho bà Nguyễn Thị Miền (đã được sự đồng ý của các cô, các bác (do bố cháu có họp gia đình xin ý kiến) nhưng không có giấy tờ). Đến giữa năm 2010 do nảy sinh mâu thuẫn giữa các anh chị em của bố cháu, các cô, bác đã khởi kiện bố cháu đòi quyền chia mảnh đất 456m2. Khi biết chuyện ông xxx đã bán mảnh đất cho ông và bố cháu đã ký vào giấy xác nhận việc bán mảnh đấy 456 m2 là bán cho bố cháu vì tiền để mua mảnh đất là tiền do bố cháu tiết kiệm được khi đi làm cá cùng ông nội. Và giấy tờ có xác nhận của chủ tịch uỷ ban nhân dân xã. Nhưng các cô các bác cháu không đồng ý và nhất định đòi chia mảnh đất 102m2 và 456m2 theo luật thừa kế.

Bác gái cả đã đi lấy chồng >40 năm, cô út cũng đã lấy chồng >20 năm và trong suốt quá trình không có trách nhiệm hay đóng góp gì cho những mảnh đất trên, cũng không chăm sóc, nuôi dưỡng ông nội cháu được ngày nào. Vậy Luật sư cho cháu hỏi việc đòi chia thừa kế như vậy là đúng hay sai? Và nếu như vậy thì quyền lợi của bố cháu ngoài là người hưởng thừa kế ở hàng thứ nhất thì có được tính công sức giữ gìn tài sản không ạ? Nếu có thì tính như thế nào? (Vì nếu bố cháu không đóng thuế cho nhà nước thì mảnh đất 456m2 đã bị thu hồi). Mong các luật sư phản hồi sớm cho cháu biết. Cháu xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề của bạn chúng tôi xin được giải đáp như sau:

 

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 645 Bộ Luật Dân Sự 2005 quy định về thời hiệu khởi kiện về thừa kế có quy định như sau:

 

Điều 645. Thời hiệu khởi kiện về thừa kế

Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

 

Vậy trường hợp của bạn, ông bạn mất từ năm 2001 đến nay đã là 15 năm vậy theo quy định của pháp luật những người thừa kế không được yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế… khi đã hết thời hạn như trên.

 

Nhưng theo quy định của Bộ Luật dân sự 2015 có hiệu lực từ 01/01/2017 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là 30 năm với bất động sản, nên nếu thời điểm này mà các bác, cô… yêu cầu TAND chia di sản thừa kế thì sẽ không được giải quyết, còn sau 01/01/2017 mà họ yêu cầu TAND giải quyết thì vẫn được, tuy nhiên họ phải cung cấp các căn cứ, chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình là có cơ sở.

 

Theo quy định tại Khoản 9, Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013:

 

9. Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất là việc Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất ổn định mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với thửa đất xác định.
 
16. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

 

Điều 26 Luật Đất đai 2013 quy định về bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất:
 

" 1. Bảo hộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất.
2. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
5. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

 

Theo bạn trình bày năm 2008, UBND cấp GCNQSDĐ lần đầu cho bố bạn do nguồn gốc sử dụng đất là ổn định lâu dài. Đây là việc Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất ổn định lâu dài và không có tranh chấp. Xem xét quy trình cấp GCNQSDĐ có thể thấy, UBND cấp GCN là dựa trên nguồn gốc đất sử dụng đất ổn định lâu dài nên được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất chứ không thuộc trường hợp sang tên quyền sử dụng đất từ quan hệ thừa kế. Do đó, trình tự, thủ tục mà UBND đã thực hiện là phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm đó. Vậy nên, quyền sử dụng đất của bố bạn đã được pháp luật công nhận và bảo vệ. 

 

Tuy nhiên, trong trường hợp những người đồng thừa kế đưa ra được các chứng cứ chứng minh rằng diện tích đất này là tài sản của ông bạn và là di sản thừa kế chưa chia. Thì trong trường hợp này những đồng thừa kế vẫn có quyền yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế khi còn thời hiệu khởi kiện. Song theo thông tin bạn cung cấp thì bố bạn và ông bạn cùng chung tiền mua đất và việc mua bán chỉ được thỏa thuận bằng lời nói mà không được lập thành văn bản. Mặt khác tại thời điểm bố bạn được công nhận quyền sử dụng đất là dựa trên căn cứ sử dụng đất ổn định, lâu dài và không có tranh chấp. Do đó, để đưa ra được chứng cứ chứng minh rằng diện tích này di sản thừa kế chưa chia sẽ rất khó khăn. Nếu những người đồng thừa kế không đưa ra được căn cứ thì Tòa án sẽ không thụ lý giải quyết. 

 

Đặt giả thiết những người đồng thừa kế chứng minh được diện tích đất bố bạn đang đứng tên là di sản thừa kế chưa chia thì có quyền yêu cầu TAND thực hiện việc chia thừa kế theo pháp luật. Theo quy định của Bộ luật dân sự về chia thừa kế theo pháp luật như sau:

 

Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

...

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

Điều 638. Người quản lý di sản

2. Trong trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.

 

Điều 640. Quyền của người quản lý di sản

2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 638 của Bộ luật này có các quyền sau đây:

a) Được tiếp tục sử dụng di sản theo thoả thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;

b) Được hưởng thù lao theo thoả thuận với những người thừa kế.

 

Vậy khi thực hiện chia thừa kế theo pháp luật thì 8 người con của ông bà bạn sẽ được chia thừa kế với phần di sản, còn với bác thứ ba nếu mất trước ông bà thì các con của bác thứ 3 sẽ được hưởng phần của bác. Khi chia thừa kế thì những người thừa kế được hưởng phần bằng nhau. Tuy nhiên bố bạn có công sức trong việc bảo quản, giữ gìn di sản nên sẽ được tính phần thù lao trong việc bảo quản, giữ gìn di sản đó.

 

Trong trường hợp hiện nay, bố bạn tốt nhất nên thu thập những chứng cứ có lợi cho mình để chứng minh các yêu cầu của các bác, cô là không có cơ sở, chứng minh được việc cấp GCNQSDĐ trên là đúng và chính xác như: các giấy tờ mua bán đất đai, các biên lai nộp thuế, giấy xác nhận của ông xxx…

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về yêu cầu chia di sản thừa kế là Đất đai đã do người khác đứng tên trên GCNQSDĐ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV.Lý Quỳnh Giang - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo