Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn về xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi nhận thừa kế

Công ty luật Minh Gia tư vấn miễn phí về thủ tục phân chia di sản thừa kế, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi nhận thừa kế và các vấn đề khác có liên quan theo quy định của pháp luật hiện hành.


Xin chào công ty Luật Minh gia. Nhờ anh chị tư vấn chỉ bảo giúp hộ tôi một số nội dung có liên quan đến đất đai như sau:

Trước năm 1979 bố mẹ tôi mua lại một căn nhà, gồm đất ở, đất trồng rau và phía trước là đất đồi (Đất nông nghiệp) có giấy tờ mua bán được chính quyền địa phương xác nhận.

- Riêng phần nhà, đất ở và đất trồng rau đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ). Do tuổi ngày một cao, Bố mẹ tôi đã làm thủ tục chia cho 5 người con đẻ, mỗi người đã được tách thành sổ riêng và làm nhà ở ổn định. Đến năm 1996 do tuổi cao bố tôi đã mất, còn lại mẹ tôi nay đang ở cùng con út.

- Về phần đất đồi phía trước (Đất NN) chưa làm thủ tục xin cấp sổ đỏ, từ năm ấy đến nay gia đình vẫn canh tác trên diện tích đó, không có tranh chấp. Để được sử dụng phần đất NN hợp pháp, lâu dài. Gia đình tôi thống nhất nếu được cấp cho anh cả đứng tên trong sổ đỏ (Có biên bản họp giữa mẹ tôi và 4 người con đã ký nhất trí có xác nhận của tổ khu phố và phường). Về hồ sơ đề nghị cấp sổ đã hoàn thiện xong các văn bản theo hướng dẫn sau:

+ Biên bản họp gia đình về thống nhất giao đất cho anh cả đứng tên;

+ Biên bản xác định danh giới tiếp giáp giữa các hộ liền kề xác nhận không có tranh chấp;

+ Đơn đề nghị cấp sổ đỏ;

+ Và một số giấy tờ khác có liên quan theo quy định...;

Các loại giấy tờ trên đều được ký có xác nhận của tổ khu phố và phường nơi đăng ký hộ khẩu. Sau khi mang toàn bộ hồ sơ trên đến Văn phòng đăng ký QSDĐ và Phòng tài nguyên xem xét và trả lời: Qua kiểm tra hồ sơ các loại giấy tờ đã đầy đủ theo quy định, tuy nhiên để cấp được sổ đỏ trong biên bản họp gia đình phải có đủ tất cả 6 người ký (Mẹ tôi và 5 người con đẻ), do thiếu 1 người không ký (Con út có lý do riêng) nên không đủ điều kiện để cấp sổ”. Do vậy việc đề nghị cấp sổ đỏ đến nay không thực hiện được. Tôi thiết nghĩ việc thiếu một chữ ký của người con út có ảnh hưởng đến việc cấp sổ không?, Mẹ tôi là hàng thừa kế thứ nhất và các anh chị đã đồng ý, việc đồng ý của mọi người cho anh cả tôi đứng tên là tự nguyện không ép buộc.

 Qua nội dung trên kính mong các anh, chị tư vấn giúp tôi:

1. Việc trả lời của Văn phòng đăng ký QSDĐ và Phòng tài nguyên nêu trên có đúng không? nếu đúng dựa trên văn bản quy định ngày tháng năm nào? cấp nào quy định.

2. Để thực hiện được việc cấp sổ đỏ nếu con út không ký, gia đình chúng tôi phải làm những thủ tục gì tiếp theo?

3. Khi được cấp sổ, gia đình chúng tôi phải nộp những khoản Lệ phí theo quy định như thế nào?

4. Sau này nếu được cấp sổ do anh tôi đứng tên, gia đình tôi có nguyện vọng chuyển mục đích sử dụng để san ủi chuyển thành đất thổ cư (Đất ở) cần phải làm những thủ tục gì?

5. Nếu nguyện vọng của mẹ tôi muốn trao quyền thừa kế ngôi nhà đang ở hiện nay cho 1 người con để sử dụng lâu dài cần làm những thủ tục gì?

Thay mặt gia đình xin kính chúc các anh chị mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt luôn giúp tư vấn cho mọi người được tốt hơn. Rất mong tin giúp đỡ sớm nhất, chính xác nhất từ anh chị.

Trả lời tư vấn. Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Thứ nhất, về xác nhận di sản thừa kế.

Trường hợp người để lại di sản không để lại di chúc thì việc chia thừa kế sẽ được chia theo pháp luật, theo quy định tại Điều 681 Bộ luật dân sự, các thỏa thuận về việc liên quan tới việc chia di sản được tất cả những người thừa kế họp mặt thỏa thuận và lập thành văn bản.

Những người thừa kế theo pháp luật trong trường hợp này bao gồm những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người để lại di sản, bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Điều 58 Luật công chứng năm 2014 quy định những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà không chia di sản thừa kế thì có thể yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.

Khoản 1 Điều 48 Luật công chứng năm 201 quy định, những người yêu cầu công chứng phải ký vào văn bản trước mặt công chứng viên.

Như vậy, văn bản thỏa thuận liên quan tới di sản thừa kế được lập phải có chữ ký của tất cả những người thừa kế của bố bạn, trong trường hợp này gồm mẹ bạn và 5 người con.

Thứ hai, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tài sản thừa kế.

Trường hợp xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất là di sản thừa kế thì trong hồ sơ yêu cầu phải có văn bản về sự thỏa thuận có chữ ký của tất cả những người thừa kế và được công chứng tại văn phòng công chứng.

Nếu không có đầy đủ chữ ký của tất cả những người thừa kế trong văn bản thỏa thuận thì phải có văn bản đồng ý riêng của người đó, trường hợp do mâu thuẫn về việc thỏa thuận đối với di sản thừa kế thì có thể khởi kiện tại tòa án để yêu cầu giải quyết.

Thứ ba, về các khoản phí phải nộp khi xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Các khoản phí phải nộp trong trường hợp này gồm:

- Lệ phí trước bạ: 0,5% x giá 1m2 đất x diện tích đất.

- Phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định tại Thông tư 02/2014/TT – BTC, phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không có tài sản trên đất là không quá 25000 đồng, nếu có giấy tài sản trên đất thì phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không quá 100.000 đồng tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; phường nội thành thuộc thành phố hoặc thị xã trực thuộc tỉnh, không quá 50.000 tại các khu vực khác.

Thứ tư, về chuyển mục đích sử dụng đất.

Điểm d, khoản 1 Điều 57 Luật đất đai năm 2013 quy định trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp thuộc trường hợp phải xin phép.

Hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất bao gồm:

- Đơn xin đăng ký biến động đất đai theo mẫu 09/ĐK;

- Bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp.

Cơ quan nhận hồ sơ: văn phòng đăng ký đất đai thuộc phồng tài nguyên và môi trường.

Thời gian thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất là không quá 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ.

Thứ năm, thủ tục chia di sản thừa kế.

Trường hợp chia di sản thừa theo pháp luật, trường hợp những người thừa kế thỏa thuận được việc phân chia di sản, tất cả những người thừa kế đều đồng ý để cho một người thì phải lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Thỏa thuận chia di sản thừa kế phải có chữ ký của tất cả những người thừa kế và được công chứng tại văn phòng công chứng.

Về thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận chia di sản thừa kế, bạn có thể tham khảo tại:

https://luatminhgia.com.vn/tu-van-ve-thoa-thuan-chia-di-san-thua-ke-theo-di-chuc.aspx

Sau khi thực hiện công chứng văn bản thỏa thuận chia di sản thừa kế, người được hưởng thừa kế đối với tài sản trên có thể thực hiện việc sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại văn phòng đăng ký đất đai. Hồ sơ yêu cầu gồm có:

Đơn xin đăng ký biến động đất đai theo mẫu 09/ĐK;

- Bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp;

- Văn bản thỏa thuận chia di sản thừa kế được lập theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi nhận thừa kế. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
Cv. Nguyễn Mỵ - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo