Trần Phương Hà

Tư vấn về việc chia di sản thừa kế khi không có di chúc

Trước đây năm 1960 gia đình ông nội tôi từ Thái Bình đi xây dựng vùng kinh tế mới. Có khai hoang được mảnh đất và cất nhà trên đó ở. Thành phần gia đình lúc này gồm ông bà và 4 người con 2 trai 2 gái. Năm 1965 bà nội tôi qua đời, năm 1970 ông nội lấy thêm vợ 2, bà này có 2 con trai riêng. 2 tháng sau lấy vợ 2 ông bán mảnh đất và nhà đang ở mua mảnh đất khác. Vào tháng 10 năm 2016 ông tôi đột ngột qua đời và không để lại di chúc

 

Tính đến thời điểm ông qua đời. Ông có 4 người con riêng với vợ cả gồm 2 trai, gái. Có 4 con chung với vợ 2 gồm 1 trai và 3 gái. 2 con trai riêng của vợ hai thì đã chết, một người chết tháng 2/2017. Một ng chết tháng 8/2013. Năm 2015 ông tuyên bố cho mỗi người con gái 10 triệu đồng, và không được thừa hưởng gì nữa. Tài sản ông để lại gồm 5000 m2 đất và 3000m2 ruộng với giấy quyền sở hữu đứng tên ông. Do gia đình không thống nhất được việc chia tài sản ông để lại.Tôi xin có những câu hỏi muốn luật sư tư vấn như sau:

 

1. Nếu áp dụng luật để chia tài sản thì 2 người con riêng của vợ 2 ông tôi (đã chết) có được chia phần không?

 

2. Hiện bà 2 tôi vẫn sống, thì phần được hưởng của bà là một nửa hay một phần như các con trong số tài sản của ông để lại?

 

3. Nếu đưa ra pháp luật và toà án để phân chia thì phần tài sản còn lại của ông sẽ được phân chia như thế nào?

 

4. Tài sản 5000 m2 đất mua sau khi bán mảnh đất và nhà năm 1970 có được coi là tài sản riêng của ông nội tôi không?Mong sớm nhận được thư hồi âm của luật sư? Xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn, công ty tư vấn như sau:

 

1. Quyền hưởng tài sản của hai người con riêng của vợ 2 ông (đã chết) 

 

Để xác định hai người con riêng này có được hưởng thừa kế hay không thì cần căn cứ vào quy định tại Điều 654 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế như sau:

 

“Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này.”

 

Do đó, Nếu con riêng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con với bố dượng  thì sẽ được thừa kế di sản

 

Theo quy định tại Điều 613 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người hưởng thửa kế như sau:

 

“Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”

 

Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản (hay còn gọi là người để lại di sản) chết.  Như vậy, người thừa kế phải là người còn sống vào thời điểm thừa kế. Do đó, đối với trường hợp trên của gia đình bạn thì 2 người con riêng của vợ ông bạn:

 

Một người chết tháng 8 năm 2013 mà ông bạn mất năm 2016 nên người con riêng này đã chết trước thời điểm mở thừa kế. Do đó, cần xem xét về trường hợp thừa kế thế vị. Theo quy định tại Điều 652 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thừa kế thế vị như sau:

 

 "Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.".

 

Như vậy, mặc dù người con riêng này đã chết trước thời điểm thừa kế, nhưng con của người này vẫn có thể được hưởng thừa kế thế vị, nếu người con riêng này có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con với ông bạn. 

 

Một người chết tháng 2 năm 2017 do ông bạn mất năm 2016 nên thời điểm mở thừa kế là năm 2016, do đó vào thời điểm mở thừa kế thì người con riêng này vẫn còn sống. Như vậy, Nếu người con riêng của vợ hai ông bạn có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con với ông bạn thì được hưởng thừa kế di sản. 

 

2. Phần di sản bà được hưởng

 

Đối với 5000m2 đất, Như dữ liệu bạn đã nêu thì 5000m2 đất này do ông bạn dùng số tiền đã bán đất và nhà có trước khi lấy lấy bà bạn (vợ hai). Để xác định được đây là tài sản riêng hay chung cần căn cứ vào quy định tại Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản riêng của vợ, chồng như sau:

 

“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

 

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”

 

Như vậy, Mảnh đất và nhà có được trước khi ông bạn lấy bà bạn, nên nhà và mảnh đất này là tài sản riêng của ông bạn. Sau khi bán mảnh đất và nhà này, ông bạn dùng số tiền này mua 5000m2 đất . Do đó 5000m2 đất này được hình thành từ tài sản riêng của ông bạn. Nên 5000m2 đất này là tài sản riêng của ông bạn.

 

Do mảnh đất này là tài sản riêng của ông bạn, nên khi chia di sản thừa kế mảnh đất này sẽ được chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất gồm: bà và 8 người con của ông bạn.

 

Đối với 3000m2 đất, thì theo quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:

 

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

 

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

 

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

 

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”

 

Như vậy, đối với mảnh đất 3000m2 đất này được hình thành trong thời kì hôn nhân của ông và bà bạn nên mảnh đất này là tài sản chung của ông bà bạn.

 

Theo quy định tại Điều 66 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết như sau:

 

“1. Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.

 

2. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.

…”

 

 Như vậy, đối với di sản 3000m2 đất của ông bạn để lại, thì di sản này được chia đôi, ông bạn một phần và bà bạn một phần. Phần của ông bạn, do ông bạn không để lại di chúc nên sẽ được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế, 1500m2 đất di sản thừa kế của ông bạn sẽ được chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất gồm: bà và 8 người con của ông bạn.

 

3. Chia di sản thừa kế theo pháp luật

 

Do ông bạn  mất không để lại di chúc nên theo quy định tại  điểm a Khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự 2015, trường hợp này là trường hợp thừa kế theo pháp luật.

 

Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định người thừa kế theo pháp luật như sau:

 

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

 

Như vậy thì số di sản ông bạn để lại sẽ được chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất gốm: bà và các con của ông.

 

Đối với 5 người còn gái của ông bạn, Năm 2015 ông tuyên bố cho mỗi người con gái 10 triệu đồng, và không được thừa hưởng gì nữa.

 

Theo quy định tại Điểu 629 Bộ luật dân sự 2015 quy định về di chúc miệng như sau:

 

“1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

 

2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.”

 

Như vậy, năm 2015 ông tuyên bố cho mỗi người con gái 10 triệu đồng, và không được thừa hưởng thêm gì nữa. Vào thời điểm này ông vẫn khỏe mạnh, và không lập quyết định này thành  văn bản nên không được coi đây là một quyết định hợp pháp. Do đó, 5 người con gái của ông vẫn được hưởng phần di sản do ông bạn để lại.

 

Như vậy, phần di sản thừa kế ông bạn để lại sẽ được chia đều cho: Bà (vợ của ông), và 8 người con của ông.

 

4. Tài sản 5000m2 đất

Như đã trả lời ở câu 2, thì tài sản 5000m2 đất mua sau khi bán mảnh đất và nhà năm 1970 là tài sản riêng của ông bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

 

Trân trọng

C.V: Giàng Thị Minh  - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo