LS Thanh Hương

Xây dựng không có giấy phép xây dựng xử lý như thế nào?

Thưa luật sư cho tôi hỏi về xây dựng thiếu giấy phép như sau: Năm 2008 sau khi đi bộ đội về, tôi có dựng một lều quán khoảng 40 m2 trên đất ruộng gần suối của ông bà để lại (nhưng theo bản đồ 60/CP bây giờ thì lại là đất mặt nước do UBND phường quản lý. Cái này tôi không hiểu?). Tại thời điểm đó, tôi không bị nhắc nhở hay lập biên bản vi phạm nào cả. Mãi đến sau này khoảng 1 năm UBND phường mới mời tôi lên cho làm cam kết.

Vì nghĩ chỉ làm cho đủ thủ tục nên tôi làm cam kết khi nào nhà nước cần tôi sẽ tháo dỡ (mặc dù là đất của ông bà để lại nhưng tôi làm không phép nên phải chấp nhận). Đến năm 2015, cán bộ UBND phường lập biên bản tôi xây dựng không phép theo Nghị định 121/2013/NĐ-CP và ban hành Quyết định khắc phục hậu quả. Tôi có trao đổi và có ý kiến: tôi không vi phạm Nghị định 121/2013/NĐ-CP vì tôi làm đã lâu trong khi Nghị định này vừa ra đời. Theo tìm hiểu thì tôi vi phạm Nghị định 126/2004/NĐ-CP tại thời điểm đó. Đến nay nghị định này đã hết hiệu lực và bị thay thế bởi 2 lần bằng nghị định 23/2009 và 121/2013.

Vậy mong Luật sư tư vấn cho tôi: 

- Làm sao để tôi chứng minh đây là đất của ông bà để lại (tôi có hồ sơ thời chế độ cũ và xác nhận hiện tại của bà con gần đó)

- Việc lập biên bản đối với tôi theo Nghị định 121/2013/NĐ-CP như vậy có đúng không?

- Con tôi nói rằng nhà nước phải lập biên bản cho tôi bởi Nghị định 126/2004 nhưng tôi cho rằng nghị định này hết hiệu lực nên không thể lập vậy có đúng không.

- Tôi có thể hợp thức hóa lều quán của tôi không (tôi không vi phạm quy hoạch)

Xin chân thành cảm ơn và mong nhận được hồi âm sớm. Chúc luật sư khỏe mạnh.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Thứ nhất, về vấn đề quyền đối với mảnh đất. Để chứng minh quyền sử dụng đối với mảnh đất cần có các giấy tờ về giao đất, chuyển nhượng, tặng cho…. Hiện tại bạn có hồ sơ chế độ cũ ghi nhận nguồn gốc đất đai là của gia đình bạn tuy nhiên không phải giấy tờ nào cũng được Nhà nước công nhận. Để xác nhận tình trạng của mảnh đất thì bạn nên đề nghị kiểm tra Hồ sơ địa chính ở UBND xã. Hoặc có thể xin chứng từ, hóa đơn đóng thuế đất để chứng minh đã sử dụng đất ổn định, lâu dài. Cách chứng minh quyền sử dụng với mảnh đất hiệu quả nhất đó là bạn làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thứ hai, việc lập biên bản xử phạt hành vi xây dựng không có giấy phép xây dựng theo Nghị định 121/2013/NĐ-CP là không đúng quy định pháp luật. Nghị định 121/2013/NĐ-CP không có quy định nào loại trừ những vi phạm diễn ra trước ngày văn bản này có hiệu lực nên hành vi của bạn vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm hành chính chỉ khi vẫn còn thời hiệu xử phạt. Đối với vi phạm của bạn có thời hiệu xử phạt là 1 năm kể từ ngày hành vi vi phạm chấm dứt hoặc khi phát hiện hành vi. Trong trường hợp của bạn, ngay khi hành vi xảy ra cũng chính là thời điểm phát hiện hành vi, nếu tính từ thời điểm này đến năm 2015 đã hơn 1 năm. Tức là đã quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, do đó, hành vi của bạn sẽ không bị xử phạt. 

Thứ ba, muốn hợp thức hòa công trình của bạn cách thức tốt nhất đó là xin Giấy phép xây dựng sau đó tiến hành thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc tài sản khác găn liền với đất.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo