Hoàng Tuấn Anh

Hủy hợp đồng ủy quyền công chứng mua bán nhà đất thế nào?

Thực tế hiện này việc ủy quyền càng ngày càng được phổ biến bởi tính tiện lợi, nhanh chóng, đảm bảo và đúng pháp luật. Nhưng thực tế mọi người vẫn còn chưa hiểu biết rõ về các quy định của ủy quyền. Trong bài viết sau đây Luật Minh Gia sẽ giúp các bạn hiểu rõ về quy định hủy hợp đồng ủy quyền.

 

1. Quy định của pháp luật về đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền – hủy hợp đồng ủy quyền

Theo Điều 562 Bộ luật dân sự quy định: Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền (Theo Điều 563 BLDS 2015). Tuy nhiên, các bên không cần nhất thiết phải đợi hết thời hạn ủy quyền để hợp đồng ủy quyền hết hiệu lực, các bên hoàn toàn có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền theo Điều 569 BLDS 2015 như sau:

Điều 569. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền

1. Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.

Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.

2. Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.”

Theo đó thì nếu bên ủy quyền đơn phương chấm dứt thực hiện ủy quyền thì phải thông báo cho người thứ ba. Trong trường hợp không thông báo thì hiệu lực của hợp đồng với người thứ ba cũng không bị ảnh hưởng. Hợp động vẫn có hiệu lực được tiếp tục thực hiện nếu chưa hoàn thành xong các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng đó nhưng người tiến hành làm việc với người thứ ba là người ủy quyền mà không còn là người được ủy quyền. Vì về bản chất thì hợp đồng với người thứ ba là giao kết với bên ủy quyền còn người được ủy quyền chỉ thực hiện thay bên ủy quyền một số công việc quy định trong hợp đồng ủy quyền do vậy nếu hợp đồng ủy quyền bị chấm dứt thì cũng sẽ không ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của hợp đồng với bên thứ ba.

2. Câu hỏi:

Em có mua một mảnh đất của một người được ủy quyền và em đã đặt cọc tiền và công chứng mua bán, nhưng 3 ngày sau người ủy quyền đến đòi hủy bỏ hợp đồng ủy quyền trong đó hợp đồng ủy quyền còn thời hạn là 7 tháng và trong hợp đồng ủy quyền có ghi là được bán, chuyển nhượng, cho, tặng. Cho em hỏi, liệu em có sang tên được mảnh đất đó không?. Em xin cảm ơn!

Trả lời:

Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến bộ phân luật sư tư vấn về lĩnh vực đất đai, trường hợp của bạn chúng tôi trả lời như sau:

Bạn đã mua một mảnh đất và mảnh đất này đã được công chứng mua bán. Do vậy, theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật Công chứng năm 2014:

Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng”.

Theo đó, hợp đồng mua bán trên đã phát sinh hiệu lực. Và việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền của bên ủy quyền phát sinh sau khi hợp đồng mua bán được ký kết sẽ không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng mua bán theo quy định tại Khoản 1 Điều 569 BLDS 2015 phân tích ở Phần 1. Do đó, hợp đồng ủy quyền khi bị hủy bỏ sẽ không ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của hợp đồng mua bán đất mà bạn đã giao kết và hợp đồng sẽ được tiếp tục thực hiện giữa chị và bên ủy quyền nếu chưa thực hiện xong hợp đồng. Vì vậy, bạn vẫn có quyền sử dụng, chiếm hữu, định đoạt với mảnh đất đó. Bạn có quyền sang tên mảnh đất đó cho người khác, quyền này hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Bạn cần lưu ý rằng, mặc dù bạn được quyền chuyển nhượng mảnh đất nói trên. Tuy nhiên, để chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bạn cần đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 188 Luật đất đai năm 2013:

a) Có Giấy chứng nhận.

b) Đất không có tranh chấp.

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

Ngoài các điều kiện trên, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật Đất đai 2013.

Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

Trình tự thủ tục chuyển nhượng đề nghị bạn tham khảo tại Điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành 1 số điều khoản của Luật Đất đai.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo