Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn về trường hợp chậm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Hiện nay, để phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì Nhà nước có thể tiến hành thu hồi đất. Một trong những khó khăn nhất khi nhà nước tiến hành thu hồi đất là làm sao để thuyết phục được người có đất bị thu hồi chấp hành nghiêm chỉnh quyết định thu hồi đất do có quan có thẩm quyền ban hành nhằm hạn chế trường hợp phải ra quyết định cưỡng chế. Bên cạnh đó là việc đảm bảo chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với người b

1. Luật sư tư vấn về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Việc nhà nước đưa ra các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nhằm đảm bảo sự ổn định cho người có đất bị thu hồi đồng thời giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra. Mặc dù Luật đất đai 2013 và các nghị định, thông tư hướng dẫn quy định rất chi tiết về trình tự, thủ tục tiến hành thu hồi đất những vẫn tồn tại trường hợp thực hiện bồi thường chậm chễ hoặc vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà cố tình kéo dài thời gian. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của những người bị thu hồi đất, Nhà nước phải trả tiền lãi phát sinh tương ứng với thời gian chậm thực hiện bồi thường.

Ngoài ra, khi xây dựng phương án hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở thì phải xem xét số nhân khẩu đối với thửa đất bị thu hồi để làm sao đảm bảo được chỗ ở cho những nhân khẩu đó, đồng thời có phương án hỗ trợ việc làm cho người lao động nếu như họ bị thu hồi đất ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh.

Nếu bạn đang gặp khó khăn về vấn đề này, đừng ngần ngại hãy liên lạc với chúng tôi qua hotlline 1900.6169 để được hỗ trợ và giải đáp những thắc mắc các vấn đề pháp lý.

Để giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này, Luật Minh Gia xin gửi đến bạn tình huống dưới đây để bạn có thể tham khảo và đưa ra hướng giải quyết phù hợp.

2. Trường hợp chậm chi trả tiền bồi thường hỗ trợ tái định cư.

Nội dung câu hỏi: Kính gửi Công ty Luật Minh Gia.Tôi hiện nay đang thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng một số dự án, nhưng có một số vướng mắc mong quý Công ty tư vấn và giải đáp giúp. Nội dung như sau: Năm 2013 Nhà nước nhất trí chủ trương đầu tư xây dựng dự án bồi thường GPMB xây dựng trụ sở làm việc cho các cơ quan đơn vị. Hội đồng bồi thường đã tiến hành thống kê, kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường, công khai cho các hộ. 100% các hộ đã nhất trí với phương án, trên cơ sở đó HĐBT đã trình UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường và  quyết định thu hồi đất đối với phần diện tích dự kiến xây trụ sở cơ quan. Tuy nhiên từ năm 2013 đến năm 2017 do Chủ đầu tư không bố trí được vốn để chi trả nên dự án treo 4 năm, hoa màu cây cối của các hộ không được chăm sóc bị thiệt hại. Đất đai không quản lý nên không sử dụng vào việc gì. Đến tháng 5/2017 Chủ đầu tư có văn bản gửi UBND huyện đề nghị hủy bỏ dự án, không thu hồi đất và không bồi thường theo phương án đã được duyệt với lý do không có vốn. Như vậy các hộ dân kiến nghị: Phải Bồi thường thiệt hại đất đai hoa màu trong thời gian 4 năm không canh tác. Kính đề nghị quý công ty tư vấn cách xử lý với trường hợp này như thế nào? Căn cứ pháp lý để yêu cầu Chủ đầu tư bồi thường thiệt hại đất đai không canh tác, hoa màu không được chăm sóc cho người dân.Tôi xin chân thành cảm ơn./.

Trả lời tư vấn: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Điều 69 Luật Đất đai 2013 quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như sau:

1. Xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm được quy định như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất.

Thông báo thu hồi đất được gửi đến từng người có đất thu hồi, họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;

b) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm;

c) Người sử dụng đất có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;

d) Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực có đất thu hồi không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người sử dụng đất thực hiện.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc. Người có đất thu hồi có trách nhiệm thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc. Trường hợp người có đất thu hồi không chấp hành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Điều 70 của Luật này.

2. Lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định như sau:

a) Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.

Việc tổ chức lấy ý kiến phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi.

Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, ghi rõ số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền;

b) Cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất.

3. Việc quyết định thu hồi đất, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 66 của Luật này quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày;

b) Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến từng người có đất thu hồi, trong đó ghi rõ về mức bồi thường, hỗ trợ, bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có), thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ; thời gian bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có) và thời gian bàn giao đất đã thu hồi cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;

c) Tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt;

d) Trường hợp người có đất thu hồi không bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi thực hiện.

Trường hợp người có đất thu hồi đã được vận động, thuyết phục nhưng không chấp hành việc bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế theo quy định tại Điều 71 của Luật này.

4. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm quản lý đất đã được giải phóng mặt bằng.

Như vậy về cơ bản, việc thu hồi đất, bồi thường được thực hiện theo một quy trình cơ bản như sau:

Bước 1: Thông báo thu hồi đất.

Bước 2: Ra quyết định thu hồi đất.

Bước 3: Kiểm kê đất đai, tài sản có trên đất.

Bước 4: Lấy ý kiến, lập  và thẩm định phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư.

Bước 5: Quyết định phê duyệt và niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Bước 6: Tổ chức chi trả bồi thường.

Như vậy, với trường hợp này của địa phương bạn về cơ bản đã thực hiện được các bước đã nêu trên nhưng chưa thực hiện chi trả chi phí bồi thường cho các hộ dân. Khi quyết định thu hồi đất đã có, các hộ đã đồng ý phương án bồi thường, đã trình Ủy ban nhân dân để phê duyệt về thu hồi đất và phương án bồi thường thì về cơ bản đất nằm trong diện thu hồi không còn là đất của người dân nữa. Vì vậy trong trường hợp này người dân không có căn cứ để đòi Chủ đầu tư phải bồi thường khi hoa màu bị hỏng, đất đai bỏ không 4 năm không sử dụng. Vấn đề Chủ đầu tư không thực hiện bồi thường do không còn tiền là trách nhiệm của Chủ đầu tư và Nhà nước. Người dân sẽ được nhận tiền bồi thường về đất đai theo quyết định đã được cơ quan nhà nước phê duyệt và các chi phí khác theo quy định tại Điều 93 Luật Đất đai 2013.

Điều 93 Luật Đất đai 2013 quy định về chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như sau:

" 1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực thi hành, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi.

2. Trường hợp cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường chậm chi trả thì khi thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi, ngoài tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì người có đất thu hồi còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả.

3. Trường hợp người có đất thu hồi không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì tiền bồi thường, hỗ trợ được gửi vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc nhà nước.

4. Người sử dụng đất được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất mà chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật thì phải trừ đi khoản tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính vào số tiền được bồi thường để hoàn trả ngân sách nhà nước.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì đã quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ủy ban nhân dân huyện quyết định phê duyệt phương án bồi thường, thu hồi đất mà Chủ đầu tư vẫn chưa tiến hành bồi thường là không đúng theo quy định của pháp luật vì vậy ngoài tiền bồi thường mà các hộ dân đã nhất trí thì người dân còn được nhận một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo