Phương Thúy

Tách sổ đỏ là gì? Thủ tục tách sổ đỏ quy định thế nào?

Hiện nay, đất đai là vấn đề nóng mà nhiều người đặc biệt quan tâm bởi giá trị kinh tế của đất đem lại từ việc đầu tư hay chuyển nhượng. Đi cùng với đó là vấn đề tách sổ đỏ cũng được nhiều người quan tâm đến. Tách sổ đỏ hay tách thửa là một khái niệm không còn xa lạ đối với người sử dụng đất. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm bắt rõ các thông tin về quy trình tách thửa làm ảnh hưởng đến lợi ích của mình. Pháp luật quy định điều kiện và thủ tục tách thửa thế nào? Để giải đáp những thắc mắc trên, Luật Minh Gia sẽ cung cấp những kiến thức liên quan về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.

1. Tách sổ đỏ là gì?

Tách sổ đỏ hay còn gọi là tách thửa là việc chia mảnh đất đã có sổ đỏ (Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất) thành nhiều mảnh đất khác với diện tích nhỏ hơn. Việc tách sổ phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Luật đất đai về diện tích tối thiểu được tách thửa.

Trong trường hợp ngoại lệ, nếu diện tích đất sau khi tách thửa nhỏ hơn diện tích tối thiểu nhưng người sử dụng đất xin hợp thửa với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu thì vẫn được phép tách thửa, tách sổ đỏ (Khoản 3 Điều 29 Luật Đất đai 2013).

Căn cứ theo Điều 29 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (Nghị định 43/2014/NĐ-CP) và Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ địa chính (Thông tư 24/2014/TT-BTNMT ) có thể xác định các điều kiện để tách thửa như sau:

  • Đáp ứng được điều kiện về kích thước tối thiểu và diện tích của đất. (căn cứ theo Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành).
  • Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

2. Tư vấn về thủ tục tách sổ đỏ

Câu hỏi tư vấn: Ông nội em có mảnh đất đứng tên chủ sở hữu diện tích 2.500 mét vuông, giấy chứng nhận quyền sở hữu cấp năm 2004, ông có 9 người con và các con đều có nhà riêng trong mảnh đất trên. Đến năm 2010 Bà nội em mất nhưng không để lại di chúc. Nay ba em, cô Hai và cô Út (là con trai, con gái ruột) muốn tách sổ ra riêng và sau khi chuyển mục đích sử dụng đất xong thì Văn Phòng Công Chứng không giải quyết vì lý do thừa kế. Em xin trình bày nội dung nhờ luật sư tư vấn như sau:

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, công ty chúng tôi xin tư vấn như sau:

Trong trường hợp của bạn, việc Văn phòng công chứng không giải quyết tách sổ đỏ ra riêng vì lý do thừa thế là hoàn toàn đúng với pháp luật. Căn cứ theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng…”

Hiện tại mảnh đất này là tài sản chung của ông và bà nội bạn. Vì vậy, khi bà nội bạn mất không để lại di chúc thì tài sản của bà nội bạn sẽ được chia theo pháp luật, chia cho các đồng thừa kế ở hàng thứ nhất theo khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015). Tức phần di sản mà bà nội để lại thừa kế chỉ là một nửa mảnh đất đó, một nửa còn lại do ông nội bạn sở hữu. Để tách sổ đỏ, trước hết những người thừa kế (ông nội và các con) cần làm thủ tục phân chia di sản thừa kế. Gia đình bạn có thể mở cuộc họp gia đình để phân chia di sản thừa kế và lập biên bản họp có chữ ký của tất cả các đồng thừa kế. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế cần được công chứng tại văn phòng công chứng.

Sau khi hoàn thành các thủ tục để phân chia di sản thừa kế tại văn phòng công chứng, gia đình bạn có thể thực hiện việc tách thửa đất nếu đủ điều kiện:

Thứ nhất, bạn cần kiểm tra quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đất theo Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất ban hành. Lưu ý là đối với mỗi loại đất ở tại đô thị hay nông thôn thì sẽ được quy định khác nhau. Nếu có đủ điều kiện về diện tích tối thiểu được tách thửa, bạn có thể làm thủ tục xin tách thửa đất.

Thứ hai, bạn thực hiện việc tách thửa theo thủ tục được quy định tại Điều 75 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, cụ thể: Người sử dụng đất có nhu cầu xin tách thửa lập một (01) bộ hồ sơ nộp tại Phòng Tài nguyên và Môi trường. Hồ sơ tách thửa gồm có:

  • Đơn xin tách thửa của người sử dụng đất;
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sau đó, Văn phòng đăng ký đất đai sẽ thực hiện các công việc sau:

  • Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
  • Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa;
  • Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đổi với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo