LS Hồng Nhung

Tư vấn về tặng cho quyền sử dụng đất

Pháp luật hiện hành quy định về việc tặng cho quyền sử dụng đất như thế nào? Cha mẹ đã tặng đất cho con thì có thể đòi lại quyền sử dụng đất hay không? Luật Minh Gia giải đáp vướng mắc liên quan đến vấn đề này thông qua tình huống sau đây:

1. Luật sư tư vấn Luật Dân sự

Tặng cho quyền sử dụng đất là thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên có quyền sử dụng đất chuyển giao quyền của mình cho người khác. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý thì pháp luật quy định việc chuyển quyền sử dụng đất cần phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định như lập hợp đồng có công chứng, chứng thực; thực hiện đăng ký quyền sử dụng đất tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền,…

Do đó, nếu bạn đang gặp phải vướng mắc liên quan đến vấn đề tặng cho quyền sử dụng đất hoặc những tranh chấp phát sinh sau khi tặng cho quyền sử dụng đất mà chưa có giải pháp cụ thể, bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc gọi 1900.6169 để được tư vấn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tư vấn về tặng cho quyền sử dụng đất

Nội dung yêu cầu tư vấn: Kính gửi luật sư! Vào năm 2010 cha tôi có mua cho tôi một mảnh vườn trồng cây ăn trái hơn 1ha và 1 lô đất ở do tôi đứng tên, nhưng nay cha mẹ tôi muốn lấy lại, cha mẹ tôi bảo tôi có vợ rồi thì ra riêng để vườn lại cho cha mẹ. Thưa luật sư, tôi muốn giữ lại một nửa vườn để sản xuất lo cho gia đình riêng, vì lâu nay cha mẹ tôi quản lý mọi thu chi, tôi không hề biết đến. Bao nhiêu lần tôi nhờ bà con họ hàng can thiệp nhưng ông vẫn không nghe, ông còn bảo lấy nhà và vườn bán dưỡng già. Vậy thưa luật sư, việc làm của cha mẹ tôi như vậy là đúng hay sai? Cha mẹ tôi có quyền đòi lại vườn và nhà ở của tôi không?

Tôi phải làm gì để giữ lại vườn của mình?

Được sự tư vấn của luật sư,tôi xin chân thành cảm ơn nhiều.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo như thông tin bạn cung cấp thì giữa bạn và bố mẹ bạn đã có thỏa thuận tặng cho quyền sử dụng đất và quyền sử dụng đất này đã đứng tên bạn. Tức là việc tặng cho quyền sử dụng đất của bạn đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định và bạn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng đất theo Khoản 16 Điều 13 Luật Đất đai năm 2013:

“16. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Do đó, để có thể đòi lại quyền sử dụng đất từ bạn, bố mẹ bạn phải thuộc một trong hai trường hợp sau đây:

Trường hợp 1: Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa bố mẹ và bạn là hợp đồng tặng cho có điều kiện.

Căn cứ vào Điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015 về hợp đồng tặng cho có điều kiện:

“Điều 462. Tặng cho tài sản có điều kiện

3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”

Do đó, nếu như hợp đồng tặng cho giữa bạn và bố mẹ có điều kiện mà điều kiện đó bạn không thực hiện thì bố mẹ bạn có thể đòi lại tài sản. Còn nếu như bạn đã thực hiện điều kiện hoặc việc tặng cho này không có điều kiện thì bố mẹ bạn không thể đòi lại tài sản.

Trường hợp 2: Bố mẹ bạn chứng minh được hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất giữa bố mẹ và con trai là hợp đồng dân sự vô hiệu. Theo đó, các bên sẽ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Cụ thể, nếu một hợp đồng không thỏa mãn đầy đủ các điều kiện sau theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hợp đồng đó không có hiệu lực pháp luật:

“Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”

Như vậy, nếu như hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa bố mẹ bạn và bạn thỏa mãn các điều kiện trên thì hợp đồng tặng cho đó có hiệu lực, và bố mẹ bạn sẽ không thể đòi lại quyền sử dụng đất là mảnh vườn và đất ở của bạn được.
Do đó, bố mẹ có thể đòi lại vườn và nhà ở của bạn nếu thuộc 1 trong 2 trường hợp trên.
Biện pháp khắc phục:

- Nếu trường hợp của bạn không thuộc 1 trong 2 trường hợp trên thì bạn có thể giữ lại được vườn và đất ở của bạn. Nếu bố mẹ cương quyết muốn đòi lại quyền sử dụng đất này, và có tranh chấp xảy ra, bạn có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã hòa giải. Nếu các bên không hòa giải được thì có thể khởi kiện lên Tòa án nhân dân theo quy định tại Điều 203 Luật đất đai năm 2013 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

- Nếu trường hợp của bạn thuộc 1 trong 2 trường hợp trên thì bạn có thể sẽ bị mất quyền sử dụng đất này.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo