Nguyễn Thu Trang

Tư vấn về đất đai khi người chết không để lại di chúc và không có sổ đỏ?

Tư vấn về việc sử dụng đất đai khi người chết không để lại di chúc và không có sổ đỏ, cũng như việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp như sau: Chào bạn, mình có vấn đề thắc mắc về luật đất đai muốn được sự tư vấn của quý công ty, mong được các bạn giải đáp giúp mình với.Chả là ông bà nội mình ngày xưa ở cùng với chú út nhà mình, ông bà mất cũng lâu rồi và sau đó thì chú út đi làm sổ đỏ, toàn bộ đất đai của ông bà chú đứng tên hết (đất đó ngày xưa chưa được cấp sổ đỏ).

 

Nay chú muốn đập luôn ngôi nhà của ông bà ở ngày xưa để làm nhà mới, mặc dù có 1 cái nhà ở cạnh rồi (nhà chú đang ở cũng đang nằm trong đất của ông bà). Mấy anh em không chịu, muốn giữ ngôi nhà của ông bà lại để thờ cúng. Chú lấy lí là sổ đỏ của chú, chú muốn làm gì thì là quyền của chú. Nhưng có trường hợp nào mà sổ đỏ của chú là không hợp lệ không nhỉ? Vì đất đó ngày xưa là đất của ông bà và ông bà không có di chúc gì cả? Bạn tư vấn cho mình biết với nhé. Cám ơn bạn nhiều!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trong trường hợp này chúng tôi  tư vấn như sau:

 

Căn cứ theo khoản 9, Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định:

 

"... Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất là việc Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất ổn định mà không có nguồn gốc được nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với thửa đất xác định"

 

Như vậy, việc nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chú bạn là việc xác nhận và trao quyền sử dụng đất cho chú bạn đối với mảnh đất trên. Chú bạn có quyền sử dụng, định đoạt mảnh đất này. 

 

Tuy nhiên, vì đất ngày xưa là đất của ông bà và khi ông bà chết thì không có di chúc để lại. Nếu các anh chị em của chú bạn có giấy tờ chứng minh nguồn gốc sử dụng đất của ông bà thì có quyền yêu cầu xác định ông bà có quyền sử dụng đất và chia thừa kế về mảnh đất mà ông bà bạn để lại. Cụ thể như sau:

 

Căn cứ theo Khoản 1.3, Điều 1, Mục II Nghị quyết số 02/2004 Hướng dẫn giải quyết vụ án Dân sự-Hôn nhân gia đình quy định:

 

“Trường hợp người chết để lại quyền sử dụng đất mà đất đó không có một trong các loại giấy tờ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.1 và tiểu mục 1.2 mục 1 này nhưng có di sản là nhà ở, vật kiến trúc khác (như: nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, giếng nước, nhà để ô tô, nhà thờ, tường xây làm hàng rào gắn với nhà ở, các công trình xây dựng trên đất được giao để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh như nhà xưởng, kho tàng, hệ thống tưới tiêu nước, chuồng trại chăn nuôi hay vật kiến trúc khác hoặc trên đất có các tài sản khác như cây lấy gỗ, cây lấy lá, cây ăn quả, cây công nghiệp hay các cây lâu năm khác) gắn liền với quyền sử dụng đất đó mà có yêu cầu chia di sản thừa kế.

 

Căn cứ Điểm d, Khoản 2, Điều 106 Luật Đất Đai năm 2013 quy định:

 

“ Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai,...”

 

Khi có đủ căn cứ chứng minh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chú là sai đối tượng thì gia đình có quyền yêu cầu UBND huyện thu hồi giấy chứng nhận đã cấp cho chú và xác nhận quyền sử dụng đất là của ông, bà để lại. Khi ông bà bạn mất không để lại di sản thừa kế cho chú út vì không để lại di chúc nên căn cứ vào Điều  650 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về các trường hợp thừa kế theo pháp luật. Thì phần di sản thừa kế này chia theo pháp luật.

 

Căn cứ theo Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

 

"Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau..."

 

Như vậy, trong trường hợp này những người được hưởng thừa kế theo pháp luật theo hàng thừa kế thứ nhất là con của ông bà được hưởng phần di sản thừa kế, cụ thể đó là chú bạn, các anh chị em của chú bạn. Vì vậy, những chú bạn và anh chị em của chú bạn được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Nguyễn Hồng - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo