Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Cưỡng chế thi hành bản án tranh chấp đất đai thế nào?

Kính thưa luật sư! Sau nhiều lần hòa giải và làm việc tại phường và UBND thành phố Bến Tre tôi nhận được quyết định 196 UBND TP G về việc tranh chấp lối đi công cộng. Trong quyết định " buộc 03 hộ kia dọn dẹp rào trả lối đi công cộng do nhà nước quản lý " (do 03 hộ rào phần đất công cộng, tất cả các hộ kể cả tôi đều có sổ đỏ và trên các sổ đỏ đều thể hiện hẻm công cộng nhưng 03 hộ đã rào sử dụng).

Sau khi nhận quyết định này các hộ này khiếu nại lên UBND tỉnh A. Kết quả UBND tỉnh bác đơn khiếu nại của họ và giữ nguyên quyết định 196 của UBND thành phố G. Sau khi nhận quyết định UBND Tỉnh A họ tiếp tục khởi kiện quyết định hành chính tại tòa án Thành phố G. Kết quả phiên xư sơ thẩm, tòa bác đơn các hộ trên. Họ tiếp tục họ khởi kiện bản án sơ thẩm.

Kết quả bản án phúc thẩm bác đơn và giữ nguyên án sơ thẩm. Bản án phúc thẩm tôi nhận ngày 29/4/2015 (xử phúc thẩm vào ngày 22/4/2015). Qua 2 cấp tòa tôi đã thắng kiện vậy để thực hiện quyết định 196 UBND TP G " buộc 03 hộ phải tháo rào trả lối đi công cộng do nhà nước quản lý ".

Xin hỏi luật sư thì UBND thành Phố G hay chi cục thi hành án G thực hiện cưỡng chế ? Qui trình cưỡng chế như thế nào? (có làm công tác vận động? vận động bao nhiêu lần ? thời gian mỗi lần vận động cách bao nhiêu ngày?) Xin chân thành cảm ơn luật sư.

1. Tư vấn về cưỡng chế thi hành bản án tranh chấp đất đai

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Về cơ quan tiến hành cưỡng chế quyết định giải quyết tranh chấp đất đai

Đối với vụ việc tranh chấp đất đai, theo quy định tại Điều 203 Luật đất đai năm 2013, sau khi tiến hành thủ tục hòa giải tại cơ sở có thể chọn 1 trong 2 thủ tục để giải quyết tranh chấp:

Thứ nhất các bên nộp đơn khởi kiện ra Tòa án. Trường hợp này, vụ tranh tranh sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng, cơ quan tiến hành cưỡng chế thi hành các quyết định, bản án của Tòa án thuộc về cơ quan thi hành án dân sự.

Thứ hai, các bên có thể gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tới UBNH cấp có thẩm quyền. Trường hợp này vụ việc sẽ được giải quyết theo thủ tục hành chính. Trong trường hợp của bạn, quyết định giải quyết tranh chấp của Chủ tịch UNHD tỉnh là quyết định giải quyết cuối cùng, có tĩnh bắt buộc, cưỡng chế các bên phải thi hành.

Khi các bên không đồng ý với quyết định giải quyết của Chủ tịch UBNH tỉnh thì có quyền khởi kiện ra Tòa án, tuy nhiên việc khởi kiện này không phải là khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp giữa các bên mà là khiếu nại quyết định hành chính.

Trường hợp này, Tòa án không xem xét nội dung vụ việc tranh chấp mà xem xét thủ tục ra quyết định hành chính của UBNH tỉnh có đúng với các trình tự của pháp luật hay không.

Do vậy, vụ việc tranh chấp trên vẫn theo thủ tục hành chính về giải quyết tranh chấp, theo đó UBNH thành phố Bến Tre có trách nhiệm cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai số 196 của UBND thành phố Bến Tre.

Về trình tự cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai

Trình tự, thủ tục về cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai do UBND của từng địa phương quy định.

Sau khi có quyết định giải quyết tranh chấp mà các bên không tự nguyện thi hành thì bạn có quyền gửi đơn yêu cầu cưỡng chế thi hành quyết định tranh chấp tới UBND thành phố Bến Tre, người có thẩm quyền xem xét sẽ tiến hành lập đoàn cưỡng chế và gửi quyết định cưỡng chế tới đối tượng bị cưỡng chế.

Công tác động viên, giáo dục, thông báo cưỡng chế sẽ được thực hiện 1 lần. Nếu đối tượng bị cưỡng chế không tự nguyện thi hành, cơ quan thi hành việc cưỡng chế sẽ lập biên bản động viên không thành và thông báo thời gian cưỡng chế bằng văn bản. Thời gian cho lần động viên, thông báo cưỡng chế tùy từng địa phương quy định nhưng thông thường là trong thời hạn 5 ngày làm việc.

Đoàn cưỡng chế có trách nhiệm buộc đối tượng bị cưỡng chế phải tháo dỡ, di dời tài sản ra khởi nơi cưỡng chế, nếu không tự nguyện thi hành, lực lượng cưỡng chế sẽ đưa họ cùng tài sản ra khỏi nơi cưỡng chế.

---

2. Giải quyết tranh chấp đất đai và cấp lại sổ đỏ thế nào?

Câu hỏi:

Con 22 tuổi, mẹ con 60 tuổi không biết chữ, bị tàn tật do chiến tranh và từng sống cùng ông bà ngoại đã mất. Theo như lời mẹ con kể thì trước đây ông ngoại con cho nhà bà Nuôi(bà hiện đã mất) chỉ 1 móng làm nhà và 1 sân nhà, nhà tầm 25m vuông. Đến năm 2004 thì ông ngoại mất và đất đai đã được chứng nhận sang tên của mẹ con.

Năm 2006 thì đến định kỳ nhà nước yêu cầu làm sổ đỏ mới và mẹ con đã làm tất cả giấy tờ để được cấp đất. Vậy mà đến lúc trả sổ đỏ, mọi người đều có còn mẹ con thì chỉ được cấp sổ đỏ ruộng và sổ cũ mang tên ông còn sổ đỏ đất vườn thì không cấp với lý do tranh chấp đất đai. Sau đó nhiều năm, đến bây giờ là đã 10 năm năm nào mẹ con cũng lên hỏi thì được câu trả lời do tranh chấp và tranh chấp có khi còn không tiếp và tiếp với thái độ khinh thường, nạt nộ.

Còn phần đất ông ngoại cho bà nuôi, sau khi bà mất thì được con bà bán cho người họ hàng là ông M. Khi sử dụng đất thì ông ngang nhiên sử dụng luôn phần đất của mẹ con thêm tầm 30m vuông nữa và lên xã báo xã kêu tranh chấp nhưng không giải quyết. Còn chặt cây nhà con trong phần đất đó với sự có mặt của ông L chủ tịch xã, gần đây ông còn kêu xe múc đất cho người thuê làm, con hỏi thì ông kêu xã cấp sổ đỏ nên có quyền làm..Thế là con lên xã gặp chủ tịch, chủ tịch kêu gặp địa chính(N) ông ta đưa cho con 1 tờ giấy nhượng quyền sử dụng đất giữa mẹ con và ông M do uỷ ban xã viết mà lại không đúng với thực tế mà tờ đó chỉ có ông M giữ thôi, trong đó còn có sự làm chứng của 5 6 người gì đó ở xã và cả chữ ký của mẹ con vào tháng 2 năm 2016 ( mẹ con lúc đó bị đau không ổn định về tinh thần lại không biết chữ và xã nói là ký vào rồi cấp sổ đỏ cho, yêu cầu mẹ con photo giấy tờ và giao sổ đỏ củ đó) nên mẹ con đã ký..Nhưng sau đó mẹ con lên xã lấy lại sổ đỏ ngay nên xã không làm được.

Vậy cho con hỏi luật sư chữ ký đó liệu có hiệu lực không? Và khi con hỏi vì sao 10 năm không giải quyết thì ông địa chính không trả lời, ông kêu do mẹ con không làm giấy tờ nên xã không giải quyết, kêu con về photo giấy tờ kèm sổ đỏ củ thì ông giải quyết cho.. Mà trước đây rõ ràng mẹ con đã làm đúng giấy tờ mà xã không giải quyết. Con về huyện huyên kêu con viết đơn lên chủ tịch xã..mà bây giờ con không biết nên viết thế nào nữa, vì viết đơn yêu cầu giao sổ đỏ thì chắc chắn xã sẽ yêu cầu con đem sổ đỏ cũ lên mà sổ đỏ cũ đó là cơ sở để chúng làm giấy tờ chuyển nhượng đất và sổ đỏ cho mẹ con với số liệu sai trái vì đã có chữ ký của mẹ con.. còn viết đơn giải quyết tranh chấp thì dưới sự làm việc của chúng em chúng sẽ giải quyết thoả đáng. Vậy con nên làm gì thưa luật sư?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo thông tin cung cấp thời điểm năm 2016 mẹ bạn có ký tên vào giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất với ông M do Uỷ ban nhân dân xã viết và có người làm chứng (người làm việc tại Uỷ ban xã), nhưng thời điểm đó mẹ bạn ốm không ổn định về tinh thần và cũng không biết chữ. Do đó, trong trường hợp này để xác định giấy tờ chuyển nhượng có giá trị pháp lý và chữ ký của mẹ bạn có được công nhận hay không thì phải căn cứ hợp đồng. Trong trường hợp  chứng minh được việc ký kết này là do bị lừa dối (Ủy ban yêu cầu ký tên để cấp giấy chứng nhận cho nhưng thực tế ký tên để thực hiện thủ tục chuyển nhượng sang tên cho ông M) và việc mẹ bạn ký tên trong trạng thái không làm chủ được hành vi của mình thì giao dịch chuyển nhượng đó không có giá trị pháp lý.  Cụ thể, Điều 132 Bộ luật dân sự năm 2005.

''Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó. Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình.

Như vậy, để giải quyết việc cấp mới lại giấy chứng nhận thì trước tiên gia đình bạn sẽ làm đơn khởi kiện ra Tòa tuyên giao dịch chuyển nhượng của mẹ bạn và ông M vô hiệu (có căn cứ, cơ sở chứng minh trên), theo đó khi Tòa án tuyên vô hiệu thì đất vẫn sẽ thuộc quyền sở hữu của mẹ bạn. Do đó, mẹ bạn chỉ cần làm hồ sơ để xin làm lại, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gửi Phòng đăng ký đất đai của huyện. Trong trường hợp không được giải quyết thì có quyền làm đơn khiếu nại gửi trực tiếp chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện để giải quyết. Hồ sơ xin cấp mới gồm:

+ Đơn đề nghị xin làm lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất;

+ Chứng minh thư, sổ hộ khẩu photo chứng thực.

Đối với việc ông M tự ý chặt cây trong phần đất và kêu xe múc đất cho người thuê làm dẫn tới thiệt hại cho gia đình bạn thì có quyền làm đơn khiếu nại gửi Uỷ ban nhân dân để yêu cầu được bồi thường.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Tư vấn về cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo