LS Vy Huyền

Tư vấn về chia tài sản thừa kế là đất đai

Thừa kế, tặng cho tài sản,... là những vấn đề rất dễ phát sinh tranh chấp nếu những người liên quan không am hiểu pháp luật. Do đó, Công ty Luật Minh Gia sẽ giải đáp rõ hơn những thắc mắc trên trong bài viết dưới đây!

1. Một số lưu ý về tài sản thừa kế là đất đai

Bất động sản là một loại tài sản chịu sự điều chỉnh đặc biệt bởi pháp luật Việt Nam. Đối với di sản thừa kế là bất động sản, thì người thừa kế phải thực hiện các thủ tục theo luật định thì mới có thể nhận được di sản một cách hợp pháp.

Hiện nay, có nhiều trường hợp ba mẹ tặng cho con cái tài sản nhân dịp con cái kết hôn, tốt nghiệp,... Tuy nhiên, đối với việc tặng cho bất động sản, để việc tặng cho trở nên hợp pháp và có hiệu lực thì các bên phải thực hiện thủ tục tặng cho bất động sản theo quy định pháp luật. Theo đó, Bộ luật dân sự quy định việc tặng cho bất động phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực. Nếu như việc tặng cho bất động sản không tuân thủ theo quy định thì việc tặng cho này không có hiệu lực và quyền sử dụng, quyền sở hữu bất động sản không được chuyển dịch về mặt pháp luật.

2. Tư vấn về chia tài sản thừa kế là đất đai

Nội dung đề nghị tư vấn:

Tôi năm nay 52 tuổi. Năm 1995 xây dựng gia đình và ở chung với bố mẹ chồng. Có hai con trai. Trong thời gian ở cùng bố mẹ chồng, vợ chồng tôi có xây dựng nhà ở trên phần đất của bố mẹ chồng (Đã hứa cho gia đình tôi nửa phía sau). Năm 2018, do tôi có hai con trai nên mua nhà và ra ở riêng. Năm 2019, chồng tôi mất đột ngột. Ngôi nhà trên phần đất bố mẹ chồng tôi đang ở (phần nhiều do công sức vợ chồng tôi làm nên). Hiện nay, cô em chồng tôi ly hôn chồng và về ở với bố mẹ chồng tôi. Tôi xin hỏi phần tài sản (Đất ở) sẽ được xử lý như thế nào theo pháp luật. Bố mẹ chồng tôi có quyền viết di chúc cho con gái không? (Bố mẹ chồng tôi có 3 con 2 trai, 1 gái, chồng tôi là con trai cả, bố chồng tôi có một cô con gái ngoài giá thú).

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Trước hết, đối với phần đất mà bố mẹ chồng hứa cho gia đình chị, căn cứ theo Điều 459 Bộ luật dân sự 2015:

“Điều 459. Tặng cho bất động sản

1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.”

Như vậy, nếu bố mẹ chồng muốn tặng cho gia đình chị phần đất trên thì phải làm thủ tục tặng cho theo quy định pháp luật. Do bố mẹ chồng chỉ hứa tặng cho mà chưa tiến hành làm thủ tục nên phần đất ấy vẫn thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bố mẹ chồng chị. Đối với căn nhà mà vợ chồng chị xây dựng nên, thì căn nhà này vẫn thuộc quyền sở hữu hợp pháp của vợ chồng chị. Đối với phần tài sản này, chị cần xác định giá trị thực tế của căn nhà, chứng minh được công sức đóng góp xây dựng căn nhà của hai anh chị. Sau đó, tùy từng trường hợp cụ thể mà chị có thể giải quyết theo các cách sau:

- Trường hợp 1: Trong trường hợp ông bà không tặng cho anh chị đất nữa thì chị có thể đề nghị bố mẹ chồng hoàn lại giá trị căn nhà ở thời điểm hiện tại tương ứng với tỷ lệ công sức mà anh chị đã có công xây dựng.

- Trường hợp 2: Chị có thể đề nghị bố mẹ chồng chuyển nhượng phần đất đã xây dựng căn nhà cho chị.

Như đã nói ở trên, về nguyên tắc thửa đất trên vẫn thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bố mẹ chồng chị. Do đó, căn cứ theo Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015, bố mẹ chồng chị hoàn toàn có quyền lập di chúc hợp pháp để lại một phần hoặc toàn bộ di sản thừa kế của mình cho con gái của hai ông bà.

“Điều 609. Quyền thừa kế

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.”

Tuy nhiên, trong trường hợp bố mẹ chồng chị mất mà không để lại di chúc, thì phần di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật. 

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;...”

Như vậy, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Pháp luật dân sự không phân biệt quyền thừa kế theo pháp luật của con trong giá thú hay ngoài giá thú đối với di sản thừa kế. Do đó, nếu có đầy đủ chứng cứ để chứng minh một người là con của người để lại di sản thì người này vẫn được pháp luật bảo vệ quyền được hưởng thừa kế. Mặt khác, chồng chị chết trước người để lại di sản thừa kế là bố mẹ chồng thì theo quy định của pháp luật tại Điều 652 BLDS về thừa kế thế vị, cháu sẽ được hưởng phần di sản này.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo