Mạc Thu Trang

Tư vấn trường hợp phân chia di sản thừa kế

Khi một cá nhân qua đời, tài sản của họ sẽ trở thành di sản thừa kế để lại cho những cá nhân, tổ chức mà họ có di nguyện hoặc cho những người thân trong gia đình khi họ không để lại di chúc. Vậy pháp luật về vấn đề phân chia di sản thừa kế được quy định như thế nào? Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn có thể tham khảo nội dung tư vấn của Công ty Luật Minh Gia như sau:

1. Tư vấn quy định của pháp luật về phân chia di sản thừa kế

Thừa kế là vấn đề đặt ra khi một cá nhân có tài sản qua đời. Việc để lại di sản thừa kế phụ thuộc vào ý chí của người để lại di sản thông qua di chúc hoặc nếu không để lại di chúc thì di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật. Vậy trong trường hợp mẹ muốn để lại di sản cho một người con mà những người con còn lại không đồng ý thì giải quyết như thế nào? Nếu bạn chưa tìm hiểu quy định pháp luật về vấn đề này có thể liên hệ tới Luật Minh Gia, luật sư sẽ tư vấn cho bạn những nội dung như sau:

- Khi mất thì di sản thừa kế được để lại cho ai?

- Tài sản là tài sản chung của vợ chồng thì phân chia di sản thừa kế như thế nào?

- Việc viết di chúc để lại di sản thừa kế có cần có sự đồng ý của các con không?

Để liên hệ với chúng tôi và yêu cầu tư vấn, bạn vui lòng gửi câu hỏi hoặc Gọi: 1900.6169 , bên cạnh đó bạn có thể tìm hiểu thêm tại một số tình huống tư vấn sau đây:

2. Tư vấn về trường hợp mẹ để lại thừa kế cho một người con mà không được sự đồng ý của những người con khác

Nội dung tư vấn: Gia đình tôi đang sinh sống trên mảnh đất có diện tích là 600 m², trong đó 300 m² là xây dựng nhà ở còn lại là vườn cây, do quá trình sạt lở đất của việc khai thác than trái phép nên gia đình tôi không thể sinh sống trên mảnh đất ấy được nữa. Sự việc là mảnh đất đứng tên của một mình bố tôi, bố tôi bệnh nặng qua đời không kịp lập di chúc hay bất cứ giấy tờ nào về chuyển nhượng. Sau khi bố tôi qua đời thì hiện tại mẹ tôi là người đứng tên mảnh đất. Gia đình tôi có tất cả 5 người con, 2 trai và 3 gái. Khi ngôi nhà cũ của chúng tôi chưa bị sụp thì trên mảnh đất ấy có bố mẹ tôi và 2 người con đầu, 1 con trai và con gái cả sống ở trên mảnh đất ấy. Nay bố tôi mất mà chưa kịp chia đất, để lại di chúc nên mảnh đấy ấy chỉ có một sổ đỏ đứng tên mẹ tôi. Do sạt lở đất của việc khai thác than trái phép nên gia đình tôi được nhà nước hỗ trợ sẽ bán cho một lố đất 100 m² cho mẹ tôi với chênh lệch 80%, còn mẹ tôi phải trả 20% giá trị của mảnh đất. 2 người con cùng sống trên mảnh đất đó với mẹ tôi sẽ được hỗ trợ mỗi người 90 m² mua với giá rẻ là 3.000.000 đ/m². Hiện nay nhà nước vẫn chưa có quyết định chắc chắn về việc này, và hiện 2 anh chị tôi (2 người con của mẹ tôi) đã xây lại nhà và sống trên mảnh đất ấy (nhưng chắc chắn sau nay sẽ phải chuyển đi vì nhà nước không cho phép sinh sống trên đó, do chưa có hướng giải quyết chắc chắn lên đồng ý cho xây dựng nhà tạm một thời). Mẹ tôi hiện đang sống với người em trai út ở nơi khác. Nay anh trai cả và chị gái của tôi (2 người con của mẹ tôi đang sinh sống trên mảnh đất ấy) muốn mẹ tôi chuyển quyền sử dụng mảnh đất đó sang tên anh tôi, nhưng mẹ tôi và tôi và 2 người con còn lại không đồng ý. Mẹ tôi do tuổi già sức yếu nên cũng muốn chuyển lại cho người con trai út, tôi và 1 chị gái cũng đồng ý. Nhưng người con còn lại đang sinh sống trên mảnh đất ấy không đồng ý. Hiện tại 1 người con đang sinh sống bên nước ngoài, 4 người còn lại thì đang ở Việt Nam. Vây nay tôi muốn xin các luật sư vấn cho tôi và mẹ tôi, nếu mẹ tôi muốn chuyển cho con trai út toàn bộ tài sản có được hay không? và nên làm như thế nào? Mẹ tôi có thể làm lập di chúc nêu rõ để toàn bộ tài sản cho con trai út được hay không? hay cần phải có sự đồng ý của tất cả các con? Vì tôi chắc chắn ràng 2 anh , chị tôi sẽ không đồng ý. Tôi không muốn để xảy ra tranh chấp và đồng ý với mẹ tôi chuyển cho con trai út. Xin luật sư hãy giúp tôi cách giải quyết để không cần thiết phải có sự đồng ý của các con mà mẹ tôi vẫn có thể chuyển tài sản cho con trai út được. Xin hãy hướng dẫn tôi các thủ tục cần thiết để làm việc đó. Tôi xin chân thành cảm ơn văn phòng Luật sư Minh Gia và mong sớm nhận lại được câu trả lời.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, mẹ chuyển toàn bộ đất cho em trai út được không?

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì mảnh đất ban đầu đứng tên bố, sau khi bố mất mẹ đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, như vậy có hai trường hợp như sau:

+ TH1: Mẹ có quyền chuyển toàn bộ quyền sử dụng đất cho em trai út:

Mảnh đất đứng tên bố thì có thể là tài sản riêng của bố hay tài sản chung của bố với mẹ. Nếu bố có di chúc để lại mảnh đất cho mẹ thì mẹ có quyền hưởng di sản thừa kế và làm thủ tục sang tên với toàn bộ diện tích. Khi tài sản đứng tên mẹ thì mẹ có quyền tặng cho hay bán cho con trai út và không cần có sự đồng ý của những người con còn lại.

+TH2: Mẹ không có quyền chuyển toàn bộ quyền sử dụng đất cho em trai út:

Nếu bố bạn mất và không có di chúc để lại toàn bộ mảnh đất cho mẹ bạn và trường hợp di chúc không hợp pháp. Khi này di sản sẽ được chia theo quy định của pháp luật cho tất cả những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố theo quy định tại điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau…”.

Những người con còn lại của bố (tức là anh, chị em của bạn) cũng được hưởng di sản thừa kế và nếu mẹ muốn chuyển toàn bộ mảnh đất sang cho con trai út thì phải có sự đồng ý của những người khác thuộc hàng thừa kế bao gồm cả hai anh, chị đó.

Thứ hai, mẹ bạn có thể lập di chúc để lại toàn bộ di sản cho em trai út được không?

Tương tự như việc mẹ tặng cho hoặc chuyển nhượng toàn bộ mảnh đất cho em trai út của bạn thì việc mẹ để lại di chúc cũng chỉ có hiệu lực đối với phần tài sản thuộc sở hữu của mẹ. Việc xác định phần tài sản thuộc sở hữu của mẹ cũng tương tự như đã nêu ở ý thứ nhất. Do vậy, bạn xem xét trường hợp của gia đình và có hướng thỏa thuận giải quyết.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Phạm Thị Lâm Anh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo