Phương Thúy

Tư vấn trường hợp đòi lại đất cho mượn

Gia đình tôi quê Hưng Yên, năm 1995 vào Daklak làm kinh tế mới. Bố Mẹ tôi có cho người mượn sồ đất nông nghiệp canh tác, qua từng năm có lấy lời. Chỉ có giấy viết tay hai bên kí kết, gia đình tôi có được nhạp khẩu ở Daklak, do hoàn cảnh gia đình không về quê thường xuyên được, có khi mấy năm về lấy tiền. Do tuổi cao sức yếu lại bệnh hiểm nghèo nữa lên Bố Mẹ tôi lần lượt qua đời còn lạ mấy anh em đà có gia đình.

Câu hỏi tư vấn: 

Tôi muốn xin hỏi luật sư giờ anh chị em tôi muốn về quê lấy lại ssó đất trên có vướng mắc gì không. Trong nhân khẩu ngoài quê vần còn gia đình tôi. Vậy giờ về phía gia đình tôi muốn lấy lại số đất bên thuê kia khăng không trả thì pháp luật xử ra sao ạ?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty luật Minh Gia, trường hợp của bạn công ty chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 113 Nghị định 181/2004 thì việc giải quyết trường hợp hộ gia đình, cá nhân mượn, thuê đất ở gắn liền với nhà ở của hộ gia đình, cá nhân khác mà nay trên đất đó còn nhà ở hoặc không còn nhà ở, hộ gia đình, cá nhân mượn, thuê đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh có nhà xưởng hoặc không còn nhà xưởng của hộ gia đình, cá nhân khác được thực hiện khi có các điều kiện sau:

- Hộ gia đình, cá nhân cho mượn, cho thuê đất phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 của Điều 50 của Luật đất đai;
- Có văn bản thỏa thuận về việc mượn đất, thuê đất.

 Việc bố mẹ bạn cho mượn đất không làm phát sinh việc chuyển quyền sử dụng mảnh đất đó sang cho người mượn đất, phần đất đó do bố mẹ bạn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên vẫn là đất của bố mẹ bạn.

Theo bạn trình bày, việc cho mượn đất của bố mẹ có giấy viết tay và có chữ ký của cả hai bên, cho nên khi bố  mẹ bạn đòi lại đất mà người mượn đất không trả là hành vi vi phạm pháp luật đất đai.

Hiện tại, bố mẹ bạn đã mất. Theo quy định của pháp luật về thừa kế, mảnh đất là di sản thừa kế thuộc sở hữu chung của các đồng thừa kế. Do vậy, bạn đương nhiên có quyền đòi lại mảnh đất.

Bạn có quyền nộp đơn khởi kiện ra Tòa để kiện đòi lại tài sản theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào các quy định ở trên, Tòa án sẽ ra quyết định yêu cầu người mượn đất phải trả lại mảnh đất đó cho bạn.
 
Bạn có thể nộp đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản đó.
Về án phí, theo quy định tại Điều 130 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, nguyên đơn có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm.
 
Trong trường hợp của bạn, Tòa án chỉ giải quyết ai là người có quyền sở hữu đối với mảnh đất đó mà không xác định trị giá tài sản mà mỗi người được hưởng nên mức án phí mà đương sự phải chịu không căn cứ vào giá trị của miếng đất đó theo quy định tại điểm a, khoản 2, điều 17 Nghị quyết Số: 01/2012/NQ-HĐTP:

"a) Trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu tài sản mà Tòa án không xem xét giá trị, chỉ xem xét quyền sở hữu tài sản của ai thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án không có giá ngạch".
 
Ngoài ra, khoản 1 Điều 17 Nghị quyết 01/2012/NQ – HĐTP cũng có quy định:
 
"Đối với tranh chấp về đòi tài sản cho mượn, cho ở nhờ thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch".
 
Cụ thể, mức án phí đối với vụ án dân sự không có giá ngạch được quy định tại Phụ lục kèm theo pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 là 200.000 đồng.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn trường hợp đòi lại đất cho mượn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
Chuyên viên Hoàng Phương Thảo - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo