Nguyễn Ngọc Ánh

Tư vấn tranh chấp đất đai thừa kế của ông, bà

Kính chào luật sư!Gia đình tôi có vấn đề này xin nhờ luật sư tư vấn:Ông bà nội tôi mất đi để lại mảnh đất 1200m2, không có di chúc. Bố tôi là con trai út đã xây ngôi nhà nhỏ trên đất ông bà để dự định về ở.

 

Nội dung yêu cầu: Nhưng do điều kiện công tác và gia đình nên không thể về ở được. đến năm 1997, người cháu (con anh trai đầu của ba tôi) cưới vợ, gia đình tôi đã cho người cháu sang ở tam trên đất ông bà. Sau thời gian dài, gia đình tôi không để ý đến đất đai, người cháu của bố tôi đã làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mảnh đất của ông bà tôi lúc nào không biết. Không qua ý kiến của bố tôi và các bác. (Ông nội tôi có 4 người con trai, người cháu đó là con trưởng của bác đầu nhưng bác đầu đã mất. Hiện tại chỉ còn 3 anh em trai). Bây giờ, bố tôi đã nghỉ hưu, muốn về quê ở để gần gũi anh em và thờ cúng hương hỏa tổ tiên, và khôi phục lại nhà thờ của ông bà tôi bị bão năm 2013 làm sập. Bố tôi và các anh em đã thuong lượng với người cháu để cắt cho bố tôi một mảnh đất ở và dựng lại nhà thờ cho ông bà. Nhưng người cháu đó đã chửi bới và các bác của tôi, cầm gậy đòi đánh không cho chúng tôi thực hiện vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là của người cháu rồi.Vậy chúng tôi có thể khởi kiện để đòi lại đất của ông bà không? có khả năng thắng kiện không?Tôi xin chờ tư vấn của luật sư!Chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của anh được tư vấn như sau:

 

Theo anh trình bày, ông bà nội mất để lại thửa đất 1200m2 nhưng không viết di chúc để định đoạt di sản thừa kế. Căn cứ Pháp lệnh thừa kế số 44 – LCT của Hội đồng nhà nước năm 1990, di sản thừa kế của bố, mẹ để lại mà không có di chúc sẽ được chia theo pháp luật; và chia đều cho những người trong cùng hàng thừa kế.

 

Điều 24: Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

 

"1- Người thừa kế theo pháp luật được hưởng di sản trong những trường hợp sau đây:

 

a) Không có di chúc;

...".

 

Điều 25: Những người thừa kế theo pháp luật

 

"1- Những người thừa kế theo pháp luật gồm có:

 

a) Hàng thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

 

b) Hàng thứ hai: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết.

 

c) Hàng thứ ba: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột.

 

2- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản ngang nhau.

 

3- Trong trường hợp không có người thừa kế hàng thứ nhất hoặc những người thừa kế hàng thứ nhất đều không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản, khước từ quyền hưởng di sản, thì những người thừa kế hàng thứ hai được hưởng di sản.

 

4- Trong trường hợp không có người thừa kế hàng thứ nhất và hàng thứ hai hoặc những người thừa kế thuộc cả hai hàng này đều không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản, khước từ quyền hưởng di sản, thì những người thừa kế hàng thứ ba hưởng di sản".

 

Như vậy, trường hợp người bác cả mất trước hay mất sau thời điểm mở thừa kế (thời điểm ông, bà nội mất) thì người cháu trưởng cũng không có quyền được đứng tên sở hữu toàn bộ 1200 m2 đất là di sản thừa kế của người chết để lại.

 

Theo phân tích trên, mặc dù được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất toàn bộ thửa đất trên nhưng chưa đủ cơ sở để khẳng định việc cấp sổ đỏ là đúng với quy định của pháp luật. Nếu có căn cứ chứng minh việc cấp giấy chứng nhận không tuân theo quy định pháp luật thời điểm đó thì cơ quan có thẩm quyền phải thu hồi, và đính chính nội dung trên sổ đỏ.

 

Vậy, bố anh có quyền gửi đơn tới Cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết. Tuy nhiên, do pháp luật quy định đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình nên bố anh cần liên hệ tới các cơ quan quản lý đất đai như UBND xã, UBND huyện để thu thập thêm tài liệu, chứng cứ phục vụ cho quá trình giải quyết vụ án.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn tranh chấp đất đai thừa kế của ông, bà. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Phòng tư vấn – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo