Nguyễn Ngọc Ánh

Thủ tục khởi kiện và kháng cáo khi giải quyết tranh chấp đất đai

Thưa luật sư, cho tôi hỏi: Gia đình tôi có mảnh đất cha ông để lại có diện tích là 663 m2. Khi tiến hành xác định bản đồ địa chính mới gd tôi không có mặt ở nhà nên đã bị gia đình người em họ lấn sang phần đất cha ông, gia đình người em họ còn thay đổi cả vị trí của đường đi trong xóm. Đến năm 2007 tôi lấy sổ hồng về cũng biết được sự việc trên.

Năm 2011 chúng tôi xây tường bao bảo vệ thì biết được gia đình người em họ đã lấn chiếm 57m2. Chúng tôi đã gửi đơn lên ubnd và họ cũng xác định được người vi phạm, xin hỏi tôi muốn khởi kiện thì thực hiện thế nào? Nếu khi tòa giải quyết không đồng ý thì kháng cáo thế nào? Tôi xin cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới công ty Luật Minh Gia! Sau đây, chúng tôi xin tư vấn yêu cầu của anh như sau:

Thứ nhất về thủ tục giải quyết tranh chấp và khởi kiện về đất đai

Theo như anh trình bày, giữa anh và người em họ đã hòa giải tại UBND xã, và đã có văn bản thỏa thuận “người em họ đã lấn sang đất của tôi và các bên cùng kí kết vào biên bản hòa giải” nhưng người em họ không tự nguyện thực hiện.

Như vậy, nếu tới thời điểm hai bên thỏa thuận mà phía bên kia không thực hiện thì anh sẽ yêu cầu UBND xã xác nhận quá trình thực hiện nghĩa vụ của phía bên em họ của anh. Đây là chứng cứ chứng minh việc phía em họ không thực hiện nội dung thỏa thuận và đây là căn cứ để anh có quyền khởi kiện tại tòa án.

Tiếp theo, anh có thể khởi kiện ra Tòa án và trong trường hợp của anh theo quy định của pháp luật là có căn cứ để giải quyết.

Căn cứ vào khoản 1 Điều 203 Luật đất đai 2013 như sau:

"Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết”.

Điều 35.Thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ

" 1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;

b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;

c) Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản".

Như vậy, Tòa án giải quyết tranh chấp của anh với người em họ sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân huyện nơi có bất động sản đang tranh chấp và anh nộp đơn khởi kiện cùng chứng cứ; tạm ứng án phí cho Tòa án.

- Đơn khởi kiện: Mẫu đơn khởi kiện

- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất mà hiện anh đang có.

- Các giấy tờ tùy thêm khác như: Bản sao giấy chứng minh nhân dân (có chứng thực của UBND xã).

- Biên bản hòa giải có chứng nhận của UBND xã mà anh và em họ của anh hòa giải trước đây; và biên bản xác nhận việc phía bên em họ của anh không thực hiện nội dung thỏa thuận. 

- Trích lục bản đồ địa chính do phía UBND xã cung cấp.

- Ngoài ra, anh có thể tự khai bằng bản tự khai.

Anh chuẩn bị đầy đủ giầy tờ trên, thì sẽ nộp đơn khởi kiện cùng các tài liệu tại phòng tiếp dân của Tòa án, đồng thời nộp tạm ứng án phí theo hướng dẫn của Tòa án, nếu hồ sơ thiếu Tòa án sẽ hướng dẫn anh bổ sung và thụ lí vụ án.

Thứ hai về vấn đề kháng cáo vụ án đất đai

Nếu anh không đồng ý với nội dung bản án sơ thẩm đã tuyên, trong thời hạn 15 ngày sau khi bản án được tuyên, anh có thể kháng cáo xét xử phúc thẩm tại Tòa án cấp trên trực tiếp.

Điều 245.Thời hạn kháng cáo

1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Toà án cấp sơ thẩm là mười lăm ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự không có mặt tại phiên toà thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết”.

Nôi dung đơn kháng cáo anh thực hiện theo đúng mẫu được quy định tại Điều 244 BLTTDS 2004 và nộp tại tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án trên.

Điều 244. Đơn kháng cáo

1. Đơn kháng cáo phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;

b) Tên, địa chỉ của người kháng cáo;

c) Kháng cáo phần nào của bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;

d) Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo;

đ) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.

2. Đơn kháng cáo phải được gửi cho Toà án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo; trường hợp đơn kháng cáo gửi cho Toà án cấp phúc thẩm thì Toà án đó phải chuyển cho Toà án cấp sơ thẩm để tiến hành các thủ tục cần thiết và gửi kèm hồ sơ vụ án cho Toà án cấp phúc thẩm theo quy định tại Điều 255 của Bộ luật này.

3. Kèm theo đơn kháng cáo là tài liệu, chứng cứ bổ sung, nếu có để chứng minh cho kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp”.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật. Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Luật Minh Gia để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo