Cao Thị Hiền

Trường hợp ông nội tặng cho đất bằng miệng có làm sổ đỏ được không?

Quyền sử dụng đất là một loại tài sản đặc biệt và phải đăng ký quyền sử dụng. Vì vậy, các giao dịch liên quan đến đất đều phải được lập thành văn bản.

1. Luật sư tư vấn về đất đai

Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất bằng miệng có giá trị pháp lý không? Thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất như thế nào? Thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận hoặc đăng ký biến động như thế nào?

Nếu bạn đang có thắc mắc về các vấn đề trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì có thể liên hệ đến công ty Luật Minh Gia để được hỗ trợ tư vấn.

2. Tặng cho đất bằng miệng có được công nhận không?

Câu hỏi tư vấn: Chào luật sư! Tôi có 1 việc trình bày như sau, mong được luật sư tư vấn. Năm 1986, bố tôi lấy vợ và được ông nội tôi tặng cho riêng 1 miếng đất và ra ở trên đó cùng với mẹ tôi và ông nội tôi, nhưng ông tôi chỉ cho bằng miệng. Đến năm 1993 ông tôi mất, không có di chúc, bố mẹ tôi vẫn ở miếng đất đấy. Năm 2004, xã có đợt làm sổ đỏ, bố mẹ tôi đứng lên làm thì xã có yêu cầu bố mẹ tôi xin chữ ký của các cô tức em gái và chị gái của bố tôi, các cô đã không ký và còn gửi đơn yêu cầu chia đất. Sau thời gian đó bố mẹ tôi không làm được sổ đỏ. Đến năm 2014, bố tôi mất đi giờ chỉ còn mẹ tôi xã lại có đợt làm sổ đỏ mẹ tôi làm và cũng giống lần trước không làm được vì phải xin chữ ký các cô. Vậy luật sư cho tôi hỏi các cô nhà tôi có quyền về chia đất không ạ?

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ theo khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013:

“Điều 167. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất

3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;

b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;

c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;

d) Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.”

Như vậy, nếu ông nội bạn tặng cho quyền sử dụng đất cho bố bạn bằng miệng thì việc tặng cho đó không được công nhận hiệu lực về mặt pháp lý vì hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định phải được lập thành văn bản và công chứng hoặc chứng thực. Vì vậy, khi ông bạn mất không để lại di chúc, di sản được chia theo pháp luật theo quy định tại Điều 651 BLDS 2015:

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Di sản của ông nội bạn để lại được chia cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ và con nuôi. Vì chị em gái của bố bạn nằm trong hàng thừa kế thứ nhất nên họ có quyền được hưởng thừa kế theo pháp luật và có quyền đối với một phần mảnh đất. Do đó, để bố bạn là người hưởng thừa kế duy nhất theo đúng ý muốn của ông nội bạn thì các cô của bạn (chị em của bố bạn) phải ký vào văn bản từ chối nhận di sản. Sau đó, bố bạn mới có thể đi làm sổ đỏ đứng tên toàn bộ mảnh đất. Kết luận lại, đối với trường hợp của bạn thì các cô của bạn có quyền đối với mảnh đất là di sản ông nội để lại.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo