LS Xuân Thuận

Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai

Trong quá trình sử dụng đất, nếu các bên phát sinh tranh chấp, không tìm được tiếng nói chung với nhau thì các bên cần phải làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình? Việc giải quyết tranh chấp đất đai có trình tự, thủ tục như thế nào? Có thể khởi kiện trực tiếp ra Tòa án để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hay không? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

1. Tư vấn về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai

Gia đình tôi có 1 mảnh đất được các cụ để lại. Trước khi ông tôi mất, ông tôi có để lại 1 tờ giấy viết tay với nội dung dặn dò về phần đất nhà ở hiện tại, phần giáp ranh với nhà hàng xóm, nhưng không có chữ ký của người hàng xóm. Gần đây, nhà tôi sửa chữa và định xây hết phần đất như ông tôi đã dặn. Người hàng xóm kia không đồng ý. Nhà tôi đã cho đào móng cũ lên và thấy móng cũ chạy dài sang phía đất của nhà hàng xóm kia. Bây giờ tôi muốn kiện và lấy lại phần đất đó thì phải làm như thế nào? Trình tự, thủ tục ra sao? Xin các luật sư tư vấn giúp tôi. Xin cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cần tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Về trình tự, thủ tục, trước hết gia đình cần đưa tranh chấp này lên UBND xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải (Khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013).

Trường hợp 1: Hòa giải thành

Khoản 5 Điều 202 Luật Đất đai 2013 quy định:

"Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất."

Trường hợp 2: Hòa giải không thành

Căn cứ Điều 203 Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành được giải quyết như sau:

“1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.”

Về việc xác định Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, điểm c Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định: “Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”.

---

2. Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai quy định thế nào?

Câu hỏi:

Chào luật sư! Em gửi thư này với lý do cần sự giúp đỡ cũng như tư vấn về nội dung em sẽ trình bay dưới đây:

Bố mẹ em có mua một mảnh đất của 1 người hàng xóm và sử dụng đến nay 2018 đã hơn 20 năm, nhưng chưa làm giấy quyền sử dụng đất vì trong thời gian chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận QSDĐ gia đình em cho người khác thuê nên không đo diện tích để cấp giấy QSDĐ. Nhưng điều đáng chú ý là lúc gia đình em mua là 700.000 đồng, gia đình em đưa trước 300.000 đồng và sau đó con gái bên bán bị ốm và con gái bên bán mượn 400.000 đồng từ gia đình em, vì vậy gia đình em trừ luồn số tiền mua đất còn nợ họ, nhưng bây giờ họ đòi lại đất vì lý do trả tiền mua đất chưa đủ, khi gia đình em nói tới việc con gái bên bán mượn tiền 400.000 đồng để chữa bệnh bên bán lại nói số tiền 400.000 đồng con ông đã lấy con ông đã trả hết rồi. Phần đất đó chưa bên nào có giấy chứng nhận hết vì trước kia hai bên giao dịch bằng miệng nên cũng không có bên nào có hợp đồng mua bán.

Với nội dung em trình bày trên liệu gia đình em có thể đưa ra tòa giải quyết không? Trường hợp này giải quyết như thế nào? Em cảm ơn và mong sự phản hồi sớm từ luật sư!

Trả lời tư vấn:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ thông tin bạn đã cung cấp, ở thời điểm bạn mua mảnh đất thì các bên thực hiện giao kết hợp đồng mua bán với hình thức miệng. Do đó, giao dịch mua bán đất đai của bạn và người hàng xóm không có giá trị pháp lý và bạn vẫn chưa được xác định là người sử dụng hợp pháp đối với mảnh đất này. Tuy nhiên, nếu bạn chứng minh được thời điểm đó có hành vi mua bán trên thực tế và bên bán xác nhận là đã bán đất cho bạn thì bạn có thể được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Điều 99, Điều 100 Luật Đất đai 2013.

Trường hợp hiện tại giữa bạn và bên bán trước đây có phát sinh tranh chấp thì các bên có thể ngồi lại bàn bạc với nhau hòa giải và tìm phương án giải quyết. Nếu các bên không thể tự tiến hành hòa giải hoặc có tiến hành hòa giải nhưng không tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết tranh chấp, bạn có thể gửi văn bản yêu cầu UBND xã/phường/thị trấn nơi có đất để giải quyết. Trong quá trình giải quyết chính quyền địa phương sẽ có trách nhiệm phổ biến pháp luật, giải thích quyền và nghĩa vụ của các bên và đưa ra phương án giải quyết vụ việc thích hợp nhất.

Trường hợp hòa giải không thành hoặc hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện theo những gì đã thỏa thuận, bạn có thể lựa chọn giải pháp khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại cơ quan có thẩm quyền. Và trong trường hợp này cả hai bên đều không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên các bên chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định tại Khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013:

“Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

...”

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn liên hệ luật sư trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo