Lò Thị Loan

Tranh chấp về lối đi chung khi đất bị chuyển nhượng

Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Tranh chấp về lối đi chung là một trong những dạng tranh chấp đất đai diễn ra phổ biến hiện nay. Vậy trường hợp có sảy ra tranh chấp về lối đi chung thì giải quyết như thế nào? Đây là thắc mắc của rất nhiều người đã liên hệ với Luật Minh Gia để được hướng dẫn. Nếu bạn cũng có thắc mắc tương tự thì hãy liên hệ với chúng tôi

1) Luật sư tư vấn quy định pháp luật về lối đi chung.

Khi bạn có thắc mắc và liên hệ với Luật Minh Gia, Luật sư chúng tôi sẽ hướng dẫn, tư vấn để bạn nắm được các quy định về lối đi chung như:

+ Nắm được các quy định pháp luật về lối đi chung;

+ Nắm được các trình tự, thủ tục giải quyết khi có tranh chấp về lối đi chung;

+ Biết được những nghĩa vụ chung của người sử dụng đất theo quy định của luật đất đai;

Để liên hệ với chúng tôi và yêu cầu tư vấn, bạn vui lòng gửi câu hỏi hoặc Gọi: 1900.6169 , bên cạnh đó bạn có thể tham khảo thêm thông qua tình huống chúng tôi tư vấn sau đây: 

2) Quy định pháp luật về hướng giải quyết tranh chấp về lối đi chung.

Nội dung câu hỏi: Xin chào! Tôi có trường hợp cần được tư vấn như sau: Gia đình tôi đang sở hữu thửa đất với diện tích 880m2. Thửa đất này được cha tôi sang nhượng của người khác từ năm 1979. Sau khi sang nhượng thì gia đình chúng tôi phân chia ra cho ông bà ngoại và 2 cậu cùng sử dụng mảnh đất trên, đồng thời để có lối đi thì đã làm con đường chạy dọc mảnh đất để tạo lối đi, với chiều rộng của con đường là 2,5m (việc hiến đất làm đường không được xác nhận của chính quyền địa phương). Sau đó các hộ được cha tôi chia đất đã thực hiện tách sổ riêng, diện tích sử dụng trên sổ có thể hiện cả 1m đất của con đường. Đến năm 2017, một người khác đã mua lại mảnh đất của ông ngoại tôi và đòi lấy lại 1 m đất đã hiến để làm đường (hiện trạng con đường đang là 2,5m), người chủ mới đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và diện tích sử dụng được căn cứ theo GCNQSD đất của chủ cũ là ông ngoại tôi. Vậy trường hợp của tôi có được phép ngăn không cho người chủ mới thực hiện xây dựng trên phạm vi 1m của con đường hoặc lấy lại 1m mà Ông Ngoại tôi đã bỏ ra để mở rộng đường không. Xin nhờ luật sư tư vấn giúp tôi

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp, sau khi cha bạn nhận chuyển nhượng phần đất 880m2 từ người khác thì cha bạn đã chia mảnh đất này ra cho gia đình bạn, ông bà ngoại và hai cậu bạn cùng sử dụng, để đi lại thì gia đình làm một lối đi chung chạy dọc mảnh đất. Các hộ được chia đất đã thực hiện thủ tục tách sổ và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất công nhận cả phần 1m đất hiến để làm đường. Do bạn không nói rõ về diện tích khi chia cũng như thỏa thuận chia là của các hộ gia đình hay là đất trước đó của bố bạn hiến ra để làm đường nên vấn đề của bạn giải quyết như sau:

Trường hợp thứ nhất, phần 2,5m đất dùng để làm đường đi là đất còn lại sau khi bố bạn đã chia đất cho các hộ gia đình khác. Trong trường hợp này, con đường đi chung được xác định là phần đất thuộc quyền sử dụng của bố bạn được sử dụng làm lối đi, và không được xác lập quyền đối với gia đình ông ngoại bạn. Tuy nhiên, bạn có nói là ông ngoại sau khi được chia đất và đã làm thủ tục tách sổ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông cũng thể hiện 1m đất bỏ ra để làm đường. Do đó, nếu gia đình muốn lấy lại 1m đất đó thì có thể yêu cầu UBND cấp xã xem xét lại việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông ngoại bạn bằng việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp và công nhận lại đúng phần đất đã chia trước đó (căn cứ theo hợp đồng chuyển nhượng/tặng cho).

Trường hợp thứ hai, phần đất 2,5m dùng để làm đường là theo thỏa thuận của ông ngoại, hai cậu và bố bạn sau khi chia đất. Do nhu cầu đi lại thì sau khi chia đất các gia đình đã thỏa thuận về việc bỏ đất ra để làm đường đi, tuy nhiên thỏa thuận này không hề có giấy tờ chứng minh cũng như xác nhận của địa phương tại thời điểm đó, nên nếu 1m đất trên do ông ngoại bạn đã bỏ ra trong tổng diện tích được công nhận theo hợp đồng chuyển nhượng/tặng cho để làm đường vẫn thuộc quyền sử dụng của ông. Do đó, khi ông bạn chuyển nhượng cho người khác thì họ có toàn quyền sử dụng mảnh đất, bao gồm 1m đất trên mà không cần sự đồng ý của gia đình bạn, gia đình không có căn cứ để ngăn không cho người chủ mới thực hiện xây dựng trên phạm vi 1m trên. Cụ thể, Điều 170 Luật đất đai năm 2013 về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất.

Điều 170. Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất

1. Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Thực hiện kê khai đăng ký đất đai; làm đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

3. Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

Như vậy, nếu con đường đang tranh chấp thuộc sở hữu của ông ngoại bạn ghi nhận trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người chủ mới được tiếp tục sử dụng. Còn nếu con đường đang tranh chấp là phần đất trước đó đã giành riêng để làm lối đi giữa các hộ thì gia đình bạn có thể ngăn việc xây dựng của người chủ mới bằng cách yêu cầu cơ quan nhà nước xem xét lại việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đó của ông ngoại bạn.  

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo