LS Hồng Nhung

Tranh chấp về đất đai là di sản thừa kế

Chào luật sư, cho tôi hỏi trường hợp: Đất của ông Nội, trên đó còn có nhà thờ phái. Phần đất này ông Nội giao cho người bà con sử dụng. Khi mất ông nội không để lại di chúc. Hiện nay con Ông nội còn có 02 người ba tôi và cô ruột. Con bác ruột (đã mất) mượn danh chú và, cô đứng tên xin lại đất làm nhà thờ cho dòng họ. Sau khi xin lại được đất không báo cho Chú và Cô tự đứng tên làm việc với chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận là đất ở tại nông thôn. Người sử dụng là tên cá nhân con bác.

 

Xin cho hỏi : Việc con bác ruột tự ý đứng tên trên phần đất thờ tự khi cấp GCN là đúng hay sai? Thửa đất có nhà thờ nhưng khi cấp GCN QSDĐ loại đất ghi đất ở tại nông thôn đúng hay sai. Nếu sai thủ tục khởi kiện hủy bỏ GCN đã cấp như thế nào. Cảm ơn

Tranh chấp về đất đai là di sản thừa kế

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề con bác ruột bạn tự ý đứng tên trên phần đất thờ tự khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

 

Trong trường hợp này, ông nội bạn mất không để lại di chúc nên di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật. 

 

Vì bạn không cung cấp thời điểm ông nội bạn mất và thời điểm bác ruột bạn mất nên phải chia thành hai trường hợp:

 

+Trường hợp 1: Bác ruột bạn mất sau thời điểm mở thừa kế (thời điểm ông nội bạn mất): Trong trường hợp này, theo quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự 2005, những người thừa kế phần di sản ông nội bạn để lại gồm ba bạn, cô ruột bạn và bác ruột của bạn. Mỗi người sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau nghĩa là mỗi người được hưởng 1/3 di sản thừa kế ông nội bạn để lại. Sau khi bác bạn mất thì phần di sản bác bạn được hưởng sẽ được chia cho vợ và các con của bác bạn. 

 

+ Trường hợp 2: Bác ruột bạn mất trước hoặc cùng thời điểm mở thừa kế (thời điểm ông bạn mất): Theo quy định tại Điều 677 Bộ luật dân sự 2005 về thừa kế thế vị thì: "Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống". Do đó, trong trường hợp này những người thừa kế phần di sản ông nội bạn để lại gồm ba bạn, cô ruột bạn và các con của bác bạn.

 

Như vậy, trong mọi trường hợp, người anh con bác ruột mà bạn đề cập đến đều có quyền đối với khối di sản thừa kế trên. Tuy nhiên, khi định đoạt khối di sản thừa kế trên cần phải có sự đồng ý của tất cả những người có quyền đối với khối di sản ấy, trong đó có ba bạn và cô ruột bạn. Do đó, việc con bác ruột bạn tự ý đứng tên trên phần đất thờ tự khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không có sự đồng ý của những người thừa kế phần di sản ông nội bạn để lại, trong đó có ba bạn và cô ruột bạn, là trái với quy định của pháp luật.

 

Thứ hai, về vấn đề thửa đất có nhà thờ nhưng khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại ghi loại đất là đất ở tại nông thôn

 

Theo quy định của Luật đất đai 2013, căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân thành ba nhóm gồm nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng. Trong trường hợp này, mảnh đất của gia đình bạn thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.

 

Về loại đất, Khoản 2 Điều 10 Luật đất đai 2013 quy định:

 

"2. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:

 

a) Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;

...

k) Đất phi nông nghiệp khác gồm đất làm nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất; đất xây dựng kho và nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đất xây dựng công trình khác của người sử dụng đất không nhằm mục đích kinh doanh mà công trình đó không gắn liền với đất ở;"

 

Do đó, trong trường hợp này, trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi loại đất là đất phi nông nghiệp khác chứ không phải là đất ở tại nông thôn.

 

Thứ ba, về thủ tục khởi kiện phân chia di sản thừa kế

 

Trước tiên, về thời hiệu khởi kiện phân chia di sản thừa kế. Theo quy định tại Điều 645 Bộ luật dân sự 2005: "Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế..."

 

Vì bạn không cung cấp thời điểm ông nội bạn mất nên không thể xác định thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế còn hay không. Do đó, phải chia thành hai trường hợp:

 

Trường hợp 1: Hết thời hiệu khởi kiện (tức là kết thúc thời hạn mười năm kể từ ngày ông nội bạn mất): Trong trường hợp này, ba bạn và cô ruột bạn không còn quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản trừ trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế (theo quy định tại tiểu mục 2.4 Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP).

 

Trường hợp 2: Còn thời hiệu khởi kiện (tức là trong thời hạn mười năm kể từ ngày ông nội bạn mất): Trong trường hợp này, ba bạn và cô ruột bạn có quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản.

 

Về thủ tục khởi kiện: Trường hợp ba bạn và cô ruột bạn có quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản thì thủ tục khởi kiện thực hiện như sau:

 

+ Thành phần hồ sơ:

 

- Đơn khởi kiện (Mẫu đơn khởi kiện phân chia di sản thừa kế);

 

- Tài liệu, chứng cứ chứng minh cho những yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp ( các giấy tờ về quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại di sản,  giấy chứng tử của người để lại di sản, bản kê khai các di sản, các giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản...)

 

+ Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

 

+ Trình tự giải quyết: Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét những tài liệu, chứng cứ cần thiết, nếu xét thấy thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án sẽ thông báo cho đương sự biết để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi nộp tiền tạm ứng án phí, đương sự nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án. Tòa án thụ lý việc dân sự hoặc vụ án dân sự kể từ khi nhận được biên lai này. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa, trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

 

Về việc hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp: Trong quá trình khởi kiện phân chia di sản thừa kế, bạn có thể yêu cầu  Tòa án giải quyết việc hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tranh chấp về đất đai là di sản thừa kế. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Cv Dương Thị Nhung - Công ty Luật Minh Gia 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo