Hoài Nam

Tranh chấp đất đai được tặng cho đã có sổ đỏ

Đất đai được ông, bà tặng cho bằng miệng trước năm 1994, sau đó sử dụng đất ổn định không có tranh chấp đến năm 2002 được cấp giấy chứng nhận QSDĐ sau đó lại xảy ra tranh chấp vậy giấy chứng nhận QSDĐ đó có bị hủy bỏ không?

 

Em chào luật sư ! em có câu hỏi như sau: ông bà em có một mảnh đất do cụ em để lại,ông bà có nói miệng là cho bố mẹ em mảnh đất đó (500 m2), đến năm 1994 bố em bị mất và cũng từ đó mẹ con em tiếp nhận, sủ dụng và đóng thuế mảnh đất đó đầy đủ từ năm 1994 đến những năm sau đó, nhưng do hoàn cảnh nên chưa làm sổ đỏ ngay được. Năm 1999 thì bà em mất, đến năm 2002 UBND xã có đợt làm sổ đỏ nên gia đình em có đăng ký làm sổ đỏ, khi làm sổ đỏ UBND xã có yêu cầu chữ ký của Bác cả nhà em, lý do là bà em đã mất, nhưng do ở xa nhà nên Bác em có gọi điện ủy quyền qua điện thoại cho 1 Bác trong dòng họ ký tên vào giấy thay mặt Bác em, nhưng đến năm 2008 Bác em gửi đơn lên tòa án yêu cầu hủy sổ đỏ của gia đình em, yêu cầu nhà em chia mảnh đất đó theo thừa kế, và nói sổ đỏ đó không hợp lệ do Bác em không ký, đồng thời chối bỏ sự ủy quyền của mình đối với người Bác đã ký vào trong giấy tờ để làm sổ cho gia đình em vào năm 2002 và người Bác đã ký thay Bác em lúc đó cũng chối bỏ trách nhiệm. (khi làm sổ đỏ năm 2002 mẹ em có mời 1 số người hàng xóm đến để làm chứng, sổ đỏ nhà em là sổ cấp lần đầu). Vậy em xin hỏi luật sư, trong trường hợp này gia đình em có bị hủy sổ đỏ và nếu bị hủy thì người Bác đã ký thay Bác cả em lúc làm sổ đỏ có chịu trách nhiệm gì không ah. Em mong luật sư sẽ có câu trả lời sớm nhất để gia đình em được yên tâm ah.Em xin chân thành cảm ơn !

 

Trả lời tư vấn: Xin chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi này chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin cung cấp thì thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) là năm 2002 nên sẽ áp dụng các quy định của pháp luật liên quan có hiệu lực tại thời điểm đó để xác định tính hợp pháp. Cụ thể, Điều 678 Bộ luật dân sự năm 1995 quy định:

 

"Điều 678. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

 

1- Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:

 

a) Không có di chúc;

 

b) Di chúc không hợp pháp;

..."

Theo quy định trên thì trường hợp người chết không để lại di chúc thì di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật. Và sẽ chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết (Điều 679 BLDS 1995).

 

Theo đó, bác cả của bạn cũng sẽ được hưởng thừa kế tương đương với suất thừa kế của những người thừa kế hàng thứ nhất khác. Do đó, việc định đoạt tài sản chung sẽ theo thỏa thuận của các đồng sở hữu (Điều 237 BLDS 1995).

 

 

Vấn đề Bác cả bạn ủy quyền cho người Bác thứ theo hình thức ủy quyền bằng miệng. Do pháp luật không có quy định nào cấm việc ủy quyền bằng miệng, tuy nhiên, cần phải có chứng cứ để chứng minh tính xác thực của việc ủy quyền và để xác định trách nhiệm dân sự của người Bác đó.

 

Trường hợp không có căn cứ chứng minh việc ủy quyền hợp pháp thì GCNQSDĐ đã cấp sẽ bị hủy vì cấp không đúng đối tượng theo Khoản 1 Điều 106 Luật đất đai 2013 (có hiệu lực tại thời điểm tranh chấp).

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Vy Diễm - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo